'Đào' được 40 tỷ mỗi năm từ cây khoai lang ngon nhất xứ Lạng
Chính vì vậy, huyện Lộc Bình đã tập trung chỉ đạo phát triển và xây dựng thương hiệu khoai lang Lộc Bình để nâng cao giá trị sản phẩm này.
Cây trồng chủ lực
Khoai lang Lộc Bình được trồng trên những cánh đồng màu mỡ nằm ngay chân dãy núi Mẫu Sơn, được bồi đắp bởi đất phù sa của dòng sông Kỳ Cùng. Điều đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu đó khiến khoai lang Lộc Bình có vẻ ngoài tròn đều, đẹp mắt và có vị thơm ngon đặc biệt. Do đó, từ lâu khoai lang Lộc Bình đã nổi tiếng là món khoai ngon nhất xứ Lạng.
Người dân Lộc Bình từ xưa đã sử dụng khoai lang như một loại thực phẩm hằng ngày, các món làm ra từ khoai rất đa dạng, dễ chế biến và dễ ăn như khoai luộc, khoai nướng, bánh khoai chiên...
Trên địa bàn tỉnh có 2.144ha khoai lang, sản lượng 13.305 tấn. Trong đó khoai lang Lộc Bình được đánh giá có chất lượng cao, nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Diện tích khoai lang trên toàn huyện Lộc Bình là gần 600ha, sản lượng đạt trên 4.000 tấn, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Tú Mịch, Khuất Xã, Tú Đoạn, Lục Thôn.
Tính trung bình giá bán khoảng 9.000-10.000 đồng/kg, tổng giá trị từ cây khoai lang Lộc Bình thu được từ 36-40 tỷ đồng mỗi năm.
Cây khoai lang trồng trên đồng đất của huyện Lộc Bình có vị ngọt đậm, thơm, bở…, hương vị rất riêng so với khoai trồng ở các địa phương khác. Ngoài những giống khoai truyền thống, nông dân trên địa bàn huyện đã chủ động đưa các giống mới vào sản xuất như: khoai Hoàng Long, khoai nghệ,… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Giá trị của khoai lang cao hơn so với lúa, ngô nên những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện đã mở rộng diện tích trồng khoai. Tuy nhiên, do chưa có thương hiệu nên khoai lang của huyện Lộc Bình chủ yếu được bán tại các chợ trên địa bàn huyện, tỉnh. Chính vì vậy, đã có tình trạng tiểu thương mượn danh khoai lang Lộc Bình để bán khoai của vùng miền khác, gây ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu của khoai lang Lộc Bình cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
Cùng đó, hiện chưa có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên khoai lang Lộc Bình luôn trong tình trạng bị tư thương ép giá. Trước thực trạng trên, ngành chức năng huyện chủ trương xây dựng nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Lộc Bình”.
Bà Lê Thị Thỏa, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình cho biết: Nhờ áp dụng kiến thức tập huấn về sản xuất khoai lang theo quy trình đảm bảo chất lượng, các biện pháp quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Lộc Bình”, vụ khoai năm nay gia đình bà cho thu hoạch và sản lượng tăng hơn so với vụ trước. Người dân chúng tôi rất mong sau khi sản xuất khoai lang theo quy trình đảm bảo, chất lượng, năng suất nâng cao, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Giá cả được nâng lên, ổn định hơn giúp người nông dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương.
Xây dựng thương hiệu
Để quản lý, giữ gìn và quảng bá cho sản phẩm khoai lang Lộc Bình, Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Bình đã chỉ đạo UBND huyện tiến hành đăng ký và được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể Khoai lang Lộc Bình. Theo quy hoạch, vùng chuyên canh cây khoai lang trên địa bàn huyện Lộc Bình có các xã: Tú Đoạn, Khuất Xá, Lục Thôn, Tú Mịch với diện tích khoảng trên 300ha.
Sau khi đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Lộc Bình” cho sản phẩm khoai lang của huyện, huyện Lộc Bình đã tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang Lộc Bình, đảm bảo chất lượng mẫu mã đẹp, có cơ hội vươn ra các thị trường khó tính hơn. Từ đó liên kết với các doanh nghiệp trong nước để chế biến các sản phẩm từ khoai lang, tạo điều kiện kết nối giữa nhà nông với các doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Thương hiệu khoai lang Lộc Bình đang dần được khẳng định và đây chính là tiền đề để huyện hình thành vùng chuyên canh cây khoai lang, tạo công ăn, việc làm, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập ổn định hơn cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trao đổi với PV, ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Để tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu khoai lang Lộc Bình, mang lại giá trị kinh tế cao hơn và người dân có thu nhập ổn định hơn, trong thời gian tới địa phương cần tiếp tục phát triển tổ chức cơ sở Hội, đảm bảo tập hợp được các hộ nông dân có diện tích trồng cây khoai lang; Tập trung tham gia bảo vệ và phát triển thương hiệu khoai lang Lộc Bình; Tiến hành triển khai thực hiện các mô hình trồng thâm canh cây khoai lang theo hướng bền vững nhằm tạo tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới sản xuất khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm giới thiệu, quảng bá đến đông đảo nhân dân về nhãn hiệu và sản phẩm khoai lang Lộc Bình; sử dụng bao bì, nhãn mác để đóng gói sản phẩm khi đưa ra thị trường và quản lý chặt chẽ tem nhãn cấp phát cho các hộ nông dân trồng khoai; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư xây dựng dây chuyền công nghệ trong chế biến, bảo quản khoai lang Lộc Bình sau khi thu hoạch...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết