Thị trường

'Giấy phép con' vẫn gây áp lực rất lớn với doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu ra vấn đề 'giấy phép con' cần phải có quy định rõ ràng nếu không sẽ có một số bộ, ngành sẽ lợi dụng để quy định về 'giấy phép con' đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó cần ban hành Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Chính phủ quyết định.

Tại Hội thảo "Góp ý dự Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/10/2019, Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) nêu ra vấn đề giấy phép con cần phải có quy định rõ ràng nếu không sẽ có một số bộ, ngành sẽ lợi dụng để quy định về giấy phép con đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

“Giấy phép con" vẫn là vấn đề áp lực rất lớn với doanh nghiệp, do đó cần phải có quy định rất rõ ràng. Nhà đầu tư và doanh nghiệp quan tâm nhất là tình trạng lạm dụng "giấy phép con". Do đó cần ban hành Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện do Chính phủ quyết định. Ngoài doanh mục đó không có cơ quan nhà nước nào được quyền ban hành danh mục riêng để cấp "giấy phép con”, trừ khi có văn bản của Quốc hội quy định. Nếu không làm như vậy thì một số bộ, ngành sẽ lợi dụng để tuồn giấy phép con vào nhiều ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực quản lý”, Giáo sư Nguyễn Mại nói.

Giáo sư Nguyễn Mại cũng đề nghị cần cân nhắc việc quy định về thời hạn có hiệu lực của đầu tư kinh doanh các ngành nghề có điều kiện. Vì quy định như vậy có nghĩa là khi hết thời hạn quy định tại giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin gia hạn.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật InvestPro.

Có cùng ý kiến với Giáo sư Nguyễn Mại, Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - Giám đốc Công ty Luật InvestPro cũng nêu một ví dụ cụ thể về vấn đề "giấy phép con" gây bất ổn cho doanh nghiệp. Luật sư Quỳnh Anh cho rằng, nếu một doanh nghiệp xin thông qua dự án xây dựng kho bãi bảo quản thực phẩm, trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư thì doanh nghiệp đương nhiên là phải xin giấy phép của quản lý ngành là Bộ Y tế. Giấy phép chỉ có thời hạn 3 năm, nên cứ 3 năm doanh nghiệp có kho bãi đó lại đi xin giấy phép con 1 lần, đó là bất ổn lo ngại cho nhà đầu tư.

“Thay vì bắt buộc doanh nghiệp phải đi xin lại giấy phép thì có thể tổ chức thanh tra, kiểm tra, thay vì 3 năm phải nộp hồ sơ xin phép lại một lần, gây bất ổn định cho doanh nghiệp”, Luật sư Quỳnh Anh nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Intracom lại nêu ra hạn chế vì doanh nghiệp Việt vẫn dùng báo cáo và giấy tờ hành chính quá nhiều, trong khi ứng dụng CNTT để quản lý doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được.

“Tôi có đầu tư vào một doanh nghiệp có trụ sở đặt tại Singapore, khi đi có việc mà phát sinh chi phí như tiếp khách khi đi công tác chẳng hạn thì bên đó họ không yêu cầu hóa đơn tài chính. Họ nói với tôi rằng khoản chi phí này chỉ cần giải thích cho cổ đông, nên chỉ cần mang hóa đơn nhà hàng là được, chứ không cần quan tâm đến hóa đơn tài chính. Trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang rất vất vả với hóa đơn và các loại giấy tờ", ông Nguyễn Thanh Việt nói.

Đỗ Quyên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo