Thị trường

'Sứ giả' chỉ dẫn địa lý ở thị trường Nhật

Mới đây, trong khuôn khổ Dự án 'Hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại Nhật Bản', các thương hiệu nông sản quen thuộc của Việt Nam như thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột và vải thiều Lục Ngạn đã được lựa chọn trở thành các 'sứ giả văn hóa đặc biệt' để quảng bá về chỉ dẫn địa lý Việt Nam đến người tiêu dùng Nhật Bản.

Theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế thuộc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Dự án này thuộc Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 - 2020” đã được Bộ KH&CN phê duyệt, cùng các nội dung cam kết giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Nhật Bản) tại Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Việt Nam và Nhật Bản ký kết cách đây 2 năm.

Mở ra cơ hội

Ngoài ra, Dự án được kỳ vọng không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho 3 địa phương Bình Thuận, Đăk Lăk và Bắc Giang mà còn mở ra cơ hội cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý khác được tiếp cận, bảo hộ và xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật.

Có thể thấy, Nhật Bản là thị trường lớn cho việc XK rau quả, nông sản có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Người tiêu dùng Nhật gần đây rất ưa chuộng nông sản thực phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam là cơ hội lớn cho các thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam. Thế nhưng, cơ cấu XK nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản hiện vẫn còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn so với nhu cầu tiêu thụ lớn ở thị trường này.

Theo ông Đỗ Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), nhu cầu nhập khẩu rau của Nhật hiện là 2,5 tỷ USD/năm, nhưng hồi năm ngoái, Việt Nam mới chỉ XK được khoảng 34 triệu USD. Đặc biệt, trong 3,4 tỷ USD/năm nhu cầu nhập trái cây của Nhật, Việt Nam đến nay mới chỉ XK được 36 triệu USD.

Vải thiều Lục Ngạn ở Bắc Giang được cho là một điển hình về sản phẩm chỉ dẫn địa lý có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường khó tính như Nhật Bản. Ở huyện Lục Ngạn, kênh tiêu thụ, XK vải quả phần lớn là từ hộ sản xuất đến các trạm, hộ thu gom, rồi tiếp đến là các doanh nghiệp (DN) hoặc HTX hay cơ sở chế biến, sau đó mới đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trong kênh tiêu thụ này, có thể kể đến HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân lo đầu ra, cam kết bao tiêu, giá bán cao hơn thị trường cùng thời điểm.

HTX này có tổng diện tích khoảng 20 ha vải thiều theo quy trình VietGAP và GlobalGAP tại xã Hồng Giang và Quý Sơn. Có nhiều DN lớn đã ký kết hợp tác với HTX để quả vải tiêu thụ ở thị trường trong nước và XK sang các thị trường lớn.

Thanh long Bình Thuận đang là “sứ giả” về chỉ dẫn địa lý Việt Nam ở Nhật Bản

HTX đóng “vai lớn”

Theo nhóm nghiên cứu Trần Hữu Cường Nguyễn Anh Trị (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), rất cần có các hoạt động xây dựng và quảng bá, khai thác các chỉ dẫn địa lý, thương hiệu rau quả đặc sản như trường hợp vải thiều Lục Ngạn. Với thị trường tiềm năng lớn như Nhật Bản, thì khâu chính sách nên có những hỗ trợ các DN chế biến vải thiều trong việc tiếp thị.

Hơn thế nữa, HTX ở tỉnh Bắc Giang cần đóng “vai lớn” trong việc quảng bá, tiêu thụ quả vải Lục Ngạn khi XK sang Nhật. Nhất là khi HTX có thể giúp nông dân phát huy sức mạnh của tập thể, nâng cao được khả năng thương lượng trong ký kết hợp đồng với các tác nhân khác trên thị trường XK.

Với thanh long Bình Thuận vốn đã bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ nhiều năm trước, thì hiện nay cũng đã tạo được chỗ đứng vững chãi ở thị trường mà tiêu chuẩn nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm như Nhật Bản và vừa có cơ hội khẳng định thương hiệu, cạnh tranh sòng phẳng với các loại rau quả khác.

Vài năm trở lại đây, để tránh phụ thuộc XK vào Trung Quốc, các HTX, người trồng thanh long và DN tại tỉnh Bình Thuận đã dần chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản.

Hiện nay, trên toàn tỉnh Bình Thuận có 30 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến thanh long. Tuy nhiên, đa phần các HTX này còn nhỏ lẻ, năng lực mua bán quốc tế còn hạn chế.

Do đó, bên cạnh việc các HTX này tận dụng lợi thế chỉ dẫn địa lý Bình Thuận với sản phẩm thanh long thì cũng cần đẩy mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt là với Nhật Bản, khi mà thanh long Bình Thuận đang là “sứ giả” về chỉ dẫn địa lý Việt Nam ở đây.

Với cà phê Buôn Mê Thuột, thống kê cho thấy toàn tỉnh Đăk Lăk có 12 DN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Buôn Mê Thuột, với tổng diện tích 15.612,70 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm. Giới chuyên gia cho rằng việc trở thành “sứ giả” quảng bá, đẩy mạnh bảo hộ cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Mê Thuột trên các thị trường nước ngoài như Nhật Bản là điều cần thiết.

Theo Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Dự án sẽ hỗ trợ cho 3 sản phẩm nói trên chuẩn bị các điều kiện cần thiết, làm bài bản từ hoàn thiện Quy chế Quản lý cho đến sử dụng, chuẩn hóa Quy trình kỹ thuật để có thể đáp ứng được các quy định của Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Theo Thanh Loan/Kinh tế Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo