Thị trường

" Tín dụng đen "cơn lũ quét" qua các làng quê

(DNVN)-Hoạt động "tín dụng đen” kéo theo hàng loạt những bức xúc, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, mức lãi suất “cắt cổ”, đòi nợ theo kiểu dùng vũ lực ép người vay phải trả, tranh giành địa bàn hoạt động giữa các băng nhóm... gây mất an ninh trật tự, người dân lo sợ.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt / Tràn lan nước rửa bát siêu rẻ trên thị trường

Trước tệ nạn tín dụng đen đang hoành hành ở nhiều địa phương, gây mất an ninh trật tự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phải xử lý đến nơi đến chốn tín dụng đen, nhất là vào dịp Tết, đồng thời phải tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn.
Nhóm cầm đầu tín dụng đen núp bóng Công ty Nam Long (Ảnh: TL)

Nhóm cầm đầu tín dụng đen núp bóng Công ty Nam Long (Ảnh: TL)

Mới đây, Công an Thanh Hóa triệt phá băng nhóm tội phạm về “tín dụng đen” núp dưới bóng Công ty tài chính Nam Long với quy mô 26 chi nhánh tại 63 tỉnh, thành phố.

Mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh do 1 người quản lý, hoạt động bài bản với các giáo trình xử lý nợ, giáo án thẩm định và phân loại khách hàng.

Nhiều khách hàng từ Lạng Sơn đến Cà Mau bị siết nợ, bị khủng bố tinh thần khi không trả tiền vay đúng thời hạn…bắt, truy nã gần 10 đối tượng với số lượng giao dịch lên đến hơn 500 tỉ đồng.

Kết quả điều tra ban đầu, Công ty tài chính Nam Long là công ty “ma”, không có đăng ký kinh doanh, chuyên thực hiện giao dịch cho vay với mức lãi suất “cắt cổ” lên tới hơn 1043%/năm, tương đương 28.571 đồng/1 triệu đồng/ngày.

 

Có hơn 200 khách hàng dính bẫy tín dụng đen của công ty này và tổng số tiền giao dịch là hơn 510 tỉ đồng. Khi các "con nợ" chậm trả, các đối tượng sẵn sàng hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay nợ.

Tang vật công an thu giữ trông vụi siết nợ tại thị xã Dĩ An, Bình Dương (Ảnh: TTX)

Tang vật công an thu giữ trông vụi siết nợ tại thị xã Dĩ An, Bình Dương (Ảnh: TTX)

Bộ Công an mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm tín dụng đen, đồng thời chỉ đạo công an các địa phương tập trung "xóa" tín dụng đen trên địa bàn.

Ghi nhận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú: Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi với các hình thức cầm đồ, cầm cố tài sản… gia tăng và diễn biến phức tạp.

Từ việc cho vay lãi suất cao, xiết nợ theo kiểu xã hội đen, tranh giành địa bàn...gây ra nhiều vụ án mạng. Năm 2018, cơ quan điều tra các cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải quyết 25 vụ án hình sự liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”, trong đó có 3 vụ giết người, 7 vụ cố ý gây thương tích với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

 

Tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 442 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính. Trong đó, có 340 cơ sở được cấp phép hoạt động. Số cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật như: cho vay nặng lãi, tín dụng đen, cưỡng đoạt tài sản, móc nối với các đối tượng hình sự trong và ngoài địa bàn hoạt động phạm tội như sử dụng hung khí nguy hiểm để đòi nợ, siết nợ, giải quyết mẫu thuẫn... có dấu hiệu gia tăng.

Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được nguồn vay vốn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tỉnh giám sát và chỉ đạo các ngân hàng có chính sách tín dụng hợp lý, thủ tục đơn giản để người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay . Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, tiếp nhận và giải quyết các tin báo tố giác về tội phạm liên quan đến tín dụng đen; tập trung lực lượng điều tra, khám phá nhanh các vụ án liên quan.

Các ngành chức năng cần siết chặt hoạt động quảng cáo, rao vặt, quản lý sim điện thoại; quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận kinh doanh cầm đồ, cho vay hỗ trợ tài chính.

"Cơn bão" tín dụng đen vẫn đang "càn quét" qua các làng quê. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng,Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã và đang có những chiến lược cụ thể nhằm đẩy lùi tình trạng này.

Lãnh đạo Agribank cho biết, ngân hàng xác định không đứng ngoài cuộc trước hiện tượng tín dụng đen có xu hướng gia tăng và hoành hành ở nhiều địa phương. Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp Ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

Với 55.000 tổ vay vốn, gần 1,4 triệu khách hàng, dư nợ đạt trên 110 nghìn tỷ đồng tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước, Agribank đã triển khai mô hình điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dụng nhằm đưa ngân hàng lưu động đến tận vùng sâu, vùng xa.

Mô hình giúp người dân ở nông thôn dễ dàng tiếp cận vốn vay được xem là một kênh dẫn vốn hiệu quả của Agribank, với chi phí thấp, giảm thời gian đi lại, đồng thời phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm bớt tín dụng đen, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Thí điểm hoạt động từ cuối năm 2017 và chính thức triển khai từ tháng 1/2018, Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I với 68 xe, thực hiện trên 2.000 phiên giao dịch, phục vụ gần 300 nghìn khách hàng trên địa bàn 300 xã, tại 68 huyện thuộc 60 tỉnh, thành phố. Trong thời gian tới, Agribank định hướng tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động đến 50% số xã, huyện trên toàn quốc nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Agribank Gia Lai đã đưa vốn đến những buôn làng xa xôi nhất bằng việc mở các phòng giao dịch hoặc xe cho vay lưu động. Nếu trước đây, người dân cần vay vốn phải tìm đến ngân hàng thì nay, chính ngân hàng đang mang vốn đến hỗ trợ từng người dân sản xuất - kinh doanh.

Việc hình thành các tổ vay vốn và đưa dịch vụ ngân hàng thông qua điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm giúp người dân tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng là một cách làm sáng tạo của Agribank.

 

Năm 2019 Agribank sẽ xem xét bố trí nguồn vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp; trong đó, có các nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian ngắn với thủ tục nhanh gọn hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là bà con tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay sản xuất, tiêu dùng với độ phủ rộng, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, thị trường vẫn xảy ra hiện tượng người dân tìm đến tín dụng đen. Nguyên nhân là quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự liên quan đến hoạt động này chưa rõ ràng và nghiêm khắc. Mặt khác, tín dụng đen là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc chỉ khi đổ bể mới được phát hiện.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy nhiều năm qua, cơ quan này đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành với tổng số khoảng 117 tỷ đồng. Cụ thể, đã xử lý 72 vụ việc, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.

Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CPvề chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 2 lần so với mức cho vay hiện hành đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng.

 

Nghị định 116/2018 song hành cùng các giải pháp về tín dụng ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác.

Hồ Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm