8X Sài Gòn bỏ ngân hàng lương cao về "nghịch nước" trồng rau
Giá vàng hôm nay (23/9): Một tuần tăng giá mạnh mẽ / Top 10 đồng hồ thể thao tốt nhất thế giới
Bỏ việc ngân hàng về làm... nông dân
Tốt nghiệp ngành nông học Trường Đại học Nông lâm TP.HCM (khóa 2001-2005), sau đó học thêm một số lớp về nghiệp vụ, Tuấn xin về công tác tại một ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn quận 9 với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng. Nhưng trong một lần đi thẩm định dự án cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, Tuấn bị “hút hồn” bởi những thiết kế trồng rau thủy canh và bắt đầu ước mơ mở một trang trại trồng rau thủy canh như thế.
Vốn có sẵn những kiến thức về nông nghiệp từ chuyên ngành đã học, cùng với mảnh đất khoảng 1.000m2 của gia đình, cuối năm 2015 - đầu năm 2016, Tuấn quyết định khởi nghiệp với nghề trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh.
Để có vốn đầu tư, Tuấn nhờ gia đình hỗ trợ một số tài sản để vay 1,9 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất 10,5% nhằm xây dựng cơ sở vật chất.
“Lúc đó, mình cũng tích lũy được một ít tiền lương, tiền thưởng từ khi làm ngân hàng và thấy mảnh đất của gia đình đang bỏ hoang phí quá nên quyết định làm. Ban đầu, gia đình cũng ủng hộ vì phương án kinh doanh mình trình bày khá thuyết phục. Mình cũng không nói bỏ việc ngân hàng, chỉ làm những lúc ngoài giờ hành chính, cuối tuần thôi. Sau đó thì...” - Tuấn nhớ lại và cười.
Nông dân áo trắng Lâm Ngọc Tuấn chăm vườn rau sạch. Ảnh: T.H.
Hóa ra, sau khi đã thành lập được trang trại và bắt đầu trồng rau, chàng trai 8X “dở hơi” này quyết định... nghỉ việc ngân hàng để về tập trung trồng rau. “Người ngoài nói mình dở hơi, còn gia đình dù hơi tiếc nhưng vẫn ủng hộ nên mình mới có động lực” - Tuấn bảo.
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm, đồng thời các giống rau sản xuất trong nước có tỷ lệ nảy mầm kém khiến rau trồng èo uột, sản lượng thấp, Tuấn vẫn quyết định đi học về công nghệ liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Israel tại Sở NNPTNT TP.HCM. Tuấn còn tìm nguồn giống rau mới thay thế từ Đài Loan, Nhật.
Sau giờ học, Tuấn lại cặm cụi bên vườn rau để trồng, quan sát quá trình phát triển, đánh dấu các thông số sao cho cây rau phát triển tốt nhất.
Chuỗi cung ứng rau sạch lớn
Trong quá trình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh, Tuấn lo lắng nhất không phải là kỹ thuật mà là đầu ra của sản phẩm. “Kỹ thuật trồng rau sao cho đạt sản lượng, chất lượng thì mình có thể học, có thể tích lũy dần nhưng đầu ra cho sản phẩm lại rất khó. Thời điểm mới mang ra thị trường, dù rau mình trồng cam kết 100% sạch, an toàn nhưng người tiêu dùng vẫn lo lắng, e ngại vì tâm lý rau không trồng trên đất thì chắc chắn là toàn... hóa chất. Mình phải thuyết phục mãi nhưng lượng người mua không nhiều” - anh Tuấn kể.
Theo anh Lâm Ngọc Tuấn, ưu điểm của trồng rau bằng phương pháp thủy canh là có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây và không có các chất tồn dư từ vụ trước. Việc trồng gối đầu liên tục các sản phẩm rau có giá trị dinh dưỡng cao... giúp sản lượng rau ổn định mỗi ngày.
Lúc này, Tuấn quyết tâm đưa các sản phẩm vào thị trường lớn hơn để có thể cải thiện cái nhìn của người tiêu dùng. Nghĩ là làm, vào khoảng tháng 9/2017, Tuấn “chân ướt chân ráo” tìm đến với Metro đặt vấn đề xuất rau vào siêu thị.
Sau khi được kiểm nghiệm với chất lượng tốt, bao nhiêu rau mà trang trại rau thủy canh Tuấn Ngọc sản xuất ra đều được Metro bao tiêu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lúc này lại là chi phí khấu hao cho siêu thị, tiền chậm trả (từ 45-60 ngày), khiến dòng tiền xoay vòng càng lâu hơn.
“Để có phương án tốt nhất, mình quyết định không làm trực tiếp với Metro nữa mà chỉ làm gián tiếp với doanh nghiệp xuất rau vào hệ thống Siêu thị Coop. Tất cả rau quả do trại mình sản xuất hiện đều thông qua đầu mối này để vào siêu thị với giá thấp hơn, tuy nhiên được thanh toán hàng tuần nên dòng tiền xoay vòng nhanh” - Tuấn cho biết.
Hiện tại, sản lượng rau mỗi ngày của trang trại rau thủy canh Tuấn Ngọc lên tới hơn 3,5 tấn nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với sản lượng rau này, bình quân mỗi tháng Tuấn thu về từ 90-100 triệu đồng.
Dẫu vậy, chàng trai 8X vẫn chưa hài lòng với kết quả này: “Mình mới thành lập Công ty TNHH Nông nghiệp Tuấn Ngọc với định hướng sẽ tự cung tự cấp, hướng tới thị trường bán lẻ và hình thành chuỗi cung ứng để đạt giá trị lợi nhuận lớn nhất. Để làm được điều này, mình đang xây dựng một trang trại rau với quy mô 6.500m2 để tiếp tục trồng rau thủy canh và một số loại rau quả khác. Theo tính toán và khảo sát, nếu làm thành công như mô hình ban đầu, mỗi ngày sản lượng rau của trang trại có thể cung ứng thêm cho thị trường với giá rẻ hơn, để người dân có thể ăn rau sạch với chi phí thấp hơn bây giờ” - Tuấn khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết