9 tháng năm 2019: Ngành công nghiệp tăng trưởng cao
Theo báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cho biết: Diễn biến qua các tháng từ đầu năm tới nay cũng cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng tháng sau cao hơn tháng trước, cụ thể: 1T/2019 tăng 7,9%; 2T/2019 tăng 9,2%; 3T/2019 tăng 9,2%; 4T/2019 tăng 9,1%; 5T/2019 tăng 9,5%; 6T/2019 tăng 9,4%; 7T/2019 tăng 9,4%; 8T/2019 tăng 9,5%, 9T tăng 9,6%).
Đi vào cụ thể từng nhóm ngành cho thấy tình hình tiếp tục có những chuyển biến và kết quả tích cực: Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo 9 tháng tăng 10,8% so với cùng kỳ (quý I tăng 10,1%; quý II tăng 10,7%; quý III tăng 10,8%) .
Một số ngành có chỉ số sản xuất 9 tháng năm 2019 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng; sản xuất kim loại; khai thác quặng kim loại tăng; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; khai thác than cứng và than non; sản xuất đồ uống.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9/2019 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,2%).
Bộ Công Thương đánh giá, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2019 tăng trưởng cao với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 9,56% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm.
Ngành khai khoáng khai thác đã vượt mục tiêu đề ra tại kịch bản tăng trưởng nhờ khai thác than, kim loại tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô. (Quý III tăng 4,5% và 9 tháng tăng 2,68%, trong khi mục tiêu đặt ra là quý III giảm 5,2% và 9 tháng giảm 4,05%).
Ngành điện sản xuất, cung ứng và phân phối điện theo kế hoạch, vận hành hệ thống điện an toàn, linh hoạt, kịp thời, về mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra, tăng trưởng 10,7% trong 9 tháng đầu năm 2019 (mục tiêu là 10,23%).
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt thấp hơn mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, chỉ tăng 11,37% trong 9 tháng đầu năm (mục tiêu là 12,63%) và thấp hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,9%). Tuy nhiên vẫn là điểm sáng, đóng góp chính vào tăng trưởng của khu vực công nghiệp và tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Tiếp tục khơi dậy các nguồn lực phục vụ phát triển công nghiệp
Về giải pháp trọng tâm thực hiện trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công Thương xác định đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao.
Đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành Công Thương, đặc biệt là cơ cấu lại một cách thực chất ngành công nghiệp nhằm tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương theo Kế hoạch sắp xếp đổi mới doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016-2020 một cách thực chất, thúc đẩy phát triển các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục bám sát diễn biến của thị trường, tổ chức các đoàn đi làm việc trực tiếp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm và hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai phương án sản xuất kinh doanh tối ưu nhằm đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng GDP đối với các ngành công nghiệp.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như: công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày. Tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào hoạt động các dự án, công trình công nghiệp, năng lượng trọng điểm nhằm tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế, đóng góp vào giá trị gia tăng, nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines