An Giang: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu
Covid-19: Cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương nhân viên / Giá xăng giảm mạnh, xuống dưới 12.000 đồng/lít
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến tình hình xuất khẩu hàng hoá, nhất là các mặt hàng chủ lực của tỉnh An Giang như: Thuỷ sản, gạo, rau quả đông lạnh bị ảnh hưởng và không còn nhộn nhịp so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh An Giang, xuất khẩu hàng hóa quý 1/2020 của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, trong đó các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: thuỷ sản, gạo đều tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu của An Giang trong quý 1 tăng nhẹ, song vẫn chưa đạt mục tiêu tỉnh đề ra từ đâu năm.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của An Giang ước đạt 217,3 triệu USD, tăng 2,60% so cùng kỳ năm trước.
Theo đó, xuất khẩu gần 29.500 tấn thủy sản đông lạnh, tương đương 71,12 triệu USD, tăng 1,72% về lượng và tăng 2,18% về kim ngạch. Trong đó cá tra, cá basa đạt hơn 28.300 tấn (tương đương 68,28 triệu USD), tăng 0,45% về lượng và tăng 0,11% về kim ngạch. Giá thủy sản đông lạnh xuất khẩu bình quân đạt 2.411 USD/tấn, tăng 11,01 USD/tấn, nguyên nhân tăng là do trong thời gian gần đây giá cá nguyên liệu tăng, giá xuất khẩu phải tăng tương ứng.
Đối với mặt hàng gạo, trong quý 1, kim ngạch xuất khẩu gạo của An Giang tăng 1,29% so với cùng kỳ, đạt 130.000 tấn (tương đương 64,52 triệu USD). Về thị trường, tỉnh này xuất khẩu gạo qua 39 nước và chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (chiếm hơn 84%); kế đến là Châu Phi (chiếm 12,3%).
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 505,88 USD/tấn, giảm 3,72 USD/tấn. Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu giảm là do giá gạo trên thị trường nội địa luôn đứng ở mức thấp.
Riêng rau quả đông lạnh, 3 tháng đầu năm An Giang xuất gần 2.200 tấn (tương đương 3,6 triệu USD) tăng 1,19% về lượng và tăng 2,86 về kim ngạch. Rau quả đông lạnh An Giang xuất khẩu đến 23 nước, gồm 8 nước Châu Á, 11 nước Châu Âu, 3 nước Châu Mỹ và 1 nước Châu Đại Dương.
Ngoài ra, ở mặt hàng dệt may An Giang xuất đạt 23,43 triệu USD, tăng 3,44% trong 3 tháng đầu năm. Hàng hóa khác An Giang xuất khẩu cũng đạt hơn 33 triệu USD, tăng 2,88% về kim ngạch; trong đó xi măng đạt 0,894 triệu USD, tăng 22,56%. Một số mặt hàng chủ yếu tăng cao so cùng kỳ như: thức ăn gia súc, phân bón các loại, thuốc trừ sâu, gỗ và sản phẩm gỗ…
Ông Đoàn Minh Triết, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, về thị trường, quý I/2020, thuỷ sản An Giang đã xuất khẩu qua 77 nước và chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là thị trường Châu Á, chiếm hơn 51% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp; trong đó, Ả-rập-xê-út là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất với 4.162 tấn, chiếm 14,73% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp. Kế đến là Châu Mỹ, chiếm 31,47% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp và tỷ trọng còn lại xuất khẩu qua 20 nước Châu Âu, 3 nước Châu Đại Dương và 7 nước Châu Phi.
Tuy nhiên, mặc dù xuất khẩu hàng hoá của An Giang trong quý 1 tăng nhẹ, song vẫn chưa đạt mục tiêu tỉnh đề ra từ đâu năm. Nguyên nhân là do tác động từ dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, từ đó kéo theo nhu cầu nhập khẩu bị sụt giảm, đơn hàng dù đã ký nhưng bị lùi thời gian giao hàng…
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu
Nhận định trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng, ông Đoàn Minh Triết cho biết trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Cụ thể, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như thuỷ sản, gạo… Sở Công thương sẽ thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách, thị trường hàng hóa xuất khẩu và triển khai các đến doanh nghiệp, có giải pháp tháo gỡ khi thị trường có tín hiệu bất lợi đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh. Trong đó, tập trung hỗ trợ địa phương, huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hoá qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu.
Đồng thời, Sở Công thương tỉnh An Giang sẽ tiếp tục liên hệ các doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, đồng thời phối hợp các sở, ngành địa phương và cơ quan trung ương để kịp thời hỗ trợ.
Để hỗ trợ hoạt đông xuất khẩu, các cấp chính quyền tỉnh An Giang sẽ chủ động làm việc với các tham tán thương mại ở nước ngoài, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hoá.
Thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, để từ đó khuyến cáo và đề xuất UBND tỉnh có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Tiếp tục liên hệ các tham tán của Việt Nam tại nước ngoài để trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện công tác xúc tiến ra thị trường nước ngoài...
Theo vị Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, UBND tỉnh An Giang đã và sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển sang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như: Thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm;…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh An Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển mạnh các hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hướng vừa mở rộng thị trường và mặt hàng; chuyển hướng chuỗi cung ứng, tìm kiếm các thị trường thay thế thị trường Trung Quốc, như: Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ,…
Song song đó, tỉnh An Giang cũng duy trì và phát triển các mối quan hệ với Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc nhằm kịp thời nắm bắt các thông tin cơ chế chính sách xuất nhập vùng biên giới giáp Trung Quốc. Tìm kiếm cơ hội đầu tư và các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư tại các khu vực biên giới.
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản tại An Giang bị tổn thất nặng nề. Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Văn Vỹ - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) cho biết, đối với các doanh nghiệp cá tra có thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng đến 100%.
Cụ thể, đối với cá hơn 1kg/con (chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc), gần như không xuất khẩu được do dịch Covid-19. Với cân nặng này thì các thị trường như Châu Mỹ, Châu Âu vẫn xuất khẩu bình thường.
Ông Vỹ dự báo, xuất khẩu cá tra còn khó khăn ít nhất đến hết quý II/2020. Nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì ngành cá tra có thể phục hồi dần từ quý III, quý IV và phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2020.
Theo vị đại diện Navico, dù thị trường Trung Quốc vẫn còn khó khăn nhưng từ “điểm tối” này sẽ mở ra triển vọng mới cho ngành cá tra Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo ông Vỹ, trong khi Hoa Kỳ công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá tra Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vào quốc gia khó tính này. “Liên minh Châu Âu (EU) và Hoa Kỳ tiêu thụ cá tra có kích cỡ từ 0,6kg đến dưới 1kg/con. Do vậy, không nên nuôi cá quá lớn nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu”, ông Vỹ cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo