An Giang: Trồng rau thủy canh, mỗi ngày bán cả tạ, thu 8-10 triệu
Vừa triển khai cách đây vài tháng, nhưng mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Thanh, thành viên Công ty Sài Gòn Farm đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Mô hình mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo nguồn nông sản sạch cung ứng cho thị trường, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Canh tác nông sản sạch
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng rau thủy canh rộng 3.000m2, anh Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện anh đang canh tác 6 loại rau xà lách có nguồn gốc từ châu Âu như: Oakleaf, Lo Lo tím, Lo Lo xanh, Frisee, Batavia và Rex. Nguồn vốn đầu tư ban đầu từ 1 - 1,2 tỷ đồng/1.000m2.
Nói về quy trình trồng rau thủy canh, anh Thanh cho biết, hạt giống sau khi gieo trồng ở ngoài khoảng 15 ngày sẽ tách ra, cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Theo anh Thanh, so với phương pháp trồng rau truyền thống, mô hình trồng rau thủy canh cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Theo đó, do số cây trên cùng một giá thể được cung cấp đủ dinh dưỡng như nhau nên phát triển đồng đều, rau lớn và đạt năng suất hơn. Ngoài ra, trồng bằng phương pháp thủy canh, cây được hấp thụ dinh dưỡng tốt nên phát triển hơn so với trồng ở đất, bởi các thành phần dinh dưỡng có đủ trong dung dịch dinh dưỡng thủy canh.
Vì vậy, trồng rau thủy canh giảm đáng kể chi phí công lao động do không phải thực hiện một số khâu, như: làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới… “Với diện tích 3.000m2, chúng tôi chỉ cần 1 lao động là có thể đáp ứng được nhu cầu” - anh Thanh chia sẻ.
Về điều kiện thời tiết, anh Thanh cho biết, nhiều loại xà lách thích hợp với khí hậu miền Tây nên sinh trưởng và phát triển tốt hơn những nơi khác. Cây lớn nhanh, cho năng suất cao, lợi nhuận mang lại đáng kể.
“Giống được lấy trực tiếp từ công ty nên tỷ lệ sống rất cao. Mỗi giống có thời gian sinh trưởng khoảng 28 - 35 ngày. Nhiều loại cây xà lách trồng ở đây cho năng suất cao hơn so với trồng ở những vùng khác, như giống xà lách Lo Lo tím, trồng ở đây cho màu sắc tím đẹp hơn so với trồng ở Đà Lạt” - anh Thanh cho hay.
Trồng rau thủy canh-Không lo đầu ra
Với diện tích 3.000m2, bình quân mỗi ngày, anh Thanh thu hoạch, đóng gói tại chỗ và xuất bán dao động từ 180 - 250kg. Toàn bộ rau thủy canh đều được chuyển đến tổng kho của Siêu thị Co.opmart tại Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Với giá bán từ 50.000 - 60.000 đồng/kg (tùy loại), bình quân mỗi ngày anh Thanh thu về cho gia đình 8 - 10 triệu đồng.
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Thanh còn góp phần giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. Bình quân mỗi lao động thu nhập từ 4.000.000 đồng/tháng, qua đó góp phần cùng địa phương giải quyết việc làm cho số lao động nhàn rỗi ổn định cuộc sống.
Hiện số lượng rau sạch của anh Nguyễn Văn Thanh chưa đủ để cung cấp cho thị trường. “Thời gian tới, tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 8.000m2, đồng thời thí điểm một số loại cây trồng mới xem có phù hợp hay không. Ngoài ra, tôi dự định sẽ mở thêm nhà sơ chế, đóng hộp sản phẩm để làm đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường, cũng như tìm nhà phân phối mới để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang gặp khó về nguồn vốn nên rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương” - anh Thanh chia sẻ.
Anh Thanh cho biết thêm, anh sẵn sàng chia sẻ và chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ trang thiết bị ban đầu đối với những người muốn đầu tư trồng rau thủy canh. Đồng thời, Công ty Sài Gòn Farm sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con sau thu hoạch với giá cao, do đó nông dân sẽ nhanh chóng thu hồi vốn.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Nhuận Nguyễn Quốc Hận đánh giá, mô hình trồng rau thủy canh của anh Thanh là mô hình đầu tiên của xã áp dụng phương pháp thủy canh, một trong những mô hình hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương và là hướng đi mới cho việc phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.
"Tuy nhiên, để xây dựng mô hình trồng rau thủy canh quy mô lớn đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu khá lớn để xây dựng hệ thống nhà lưới, hệ thống ống dẫn nước, cộng thêm tính đặc thù của mô hình đòi hỏi kỹ thuật, quy trình sản xuất khá cao nên khó khăn trong việc nhân rộng.", ông Nguyễn Quốc Hận.
End of content
Không có tin nào tiếp theo