Bắc Giang: Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững ở huyện Sơn Động
Sơn Động là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh với khoảng 7,3 vạn người, gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 47,2% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Dao, Tày, Nùng, Sán Chí, Cao Lan... 19/23 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, địa hình đồi núi và bị chia cắt bởi các con sông nên điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn.
Chú trọng phát triển sản xuất
Thực hiện Chương trình giảm nghèo 30a, Sơn Động quyết tâm "làm đến đâu chắc đến đó", thường xuyên rút kinh nghiệm để triển khai đúng lộ trình Chính phủ đặt ra. Trong đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, để giảm được nghèo, huyện chú trọng thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện thường xuyên tham mưu với lãnh đạo huyện quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo.
Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi được hỗ trợ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: mô hình sản xuất Chè Bát Tiên ở thị trấn Thanh Sơn; ba kích ở xã Bồng Am; măng Bát Độ tại xã An Lập; nuôi lợn rừng ở xã Tuấn Đạo; nuôi ong ở Yên Định đã mang lại giá trị kinh tế tương đối cao cho người dân. Không chỉ được hỗ trợ vốn, người dân còn được cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên họ yên tâm sản xuất.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện, hầu hết các hộ thoát nghèo những năm gần đây đều mạnh dạn phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Xác định đây là hướng đi chủ lực, huyện tiếp tục dành kinh phí hỗ trợ vốn, cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật để hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có những điều kiện ban đầu để phát triển kinh tế. Đồng thời, tập trung kinh phí của Chương trình 30a cho việc cải tạo đường giao thông liên thôn, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản.
Giảm nghèo bền vững
Để mang lại hiệu quả trong giảm nghèo, hằng năm, các nội dung, danh mục công trình, mô hình sản xuất đầu tư được huyện lựa chọn kỹ, đáp ứng nhu cầu bức thiết trong nhân dân, phát huy hiệu quả thiết thực. Đến nay, đời sống nhân dân được nâng lên, thu nhập gấp 2,5 lần khi bắt đầu thực hiện đề án, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 35,61%, cận nghèo 21,85% (theo chuẩn mới).
Đổi thay rõ nét nhất chính là hệ thống cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần thay đổi diện mạo vùng cao, miền núi, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, phát triển kinh tế. Từ năm 2009 đến nay, huyện cứng hóa gần 455 km đường giao thông; 100% trung tâm các xã và thôn, bản có điện lưới; 18 trạm y tế và 44 trường học được xây dựng đạt chuẩn quốc gia.
Đặc biệt, hàng chục tỷ đồng được huyện đầu tư để hỗ trợ người dân sản xuất, trong đó củ yếu là giúp đỡ về các giống lúa, ngô năng suất cao, cây ăn quả có giá trị, trồng rừng, xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa về trồng trọt, chăn nuôi. Đề án còn dành nguồn lực đáng kể cho công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, tín dụng ưu đãi, đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, xã hội…
Hiện nay, 100% người nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí. Từ các nguồn vốn, toàn huyện đã có 266 công trình giao thông, thủy lợi, hạ tầng thiết yếu được xây dựng và duy tu.
Ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện cho rằng hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện tiếp tục tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức để người nghèo tự lực vươn lên; phân bổ hợp lý các nguồn lực trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển kinh tế rừng, tập trung sản xuất cây lâm nghiệp, dược liệu với ba sản phẩm mũi nhọn gồm: Ba kích, nấm lim và mật ong rừng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo