Bắc Kạn: Giúp phụ nữ khởi nghiệp từ sợi bún khô
Được thành lập năm 2013 do phụ nữ quản lý, hiện nay, HTX có 9 thành viên chính thức và 10 thành viên làm theo thời vụ đều là phụ nữ. Những ngày đầu đi vào hoạt động, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các thành viên HTX, đặc biệt là người quản lý đã đoàn kết, năng động, nhạy bén trong việc học tập kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, chủ động liên hệ nhờ cơ quan chức năng tư vấn cách làm bao bì, logo cho sản phẩm, chào hàng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Sản xuất công phu
Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, các thành viên HTX gặp phải không ít khó khăn, lúc thì bún cháy, lúc thì ép bún ra không dỡ được. Để nâng cao tay nghề, Trung tâm dạy nghề hội Phụ nữ tỉnh đã mở lớp đào tạo nghề sản xuất bún khô cho các thành viên.
Sau 3 tháng học nghề, chị em đã được cấp chứng chỉ và vận hành máy móc sản xuất bún khô thành thạo theo quy trình. Đồng thời, bản thân chị em phụ nữ tham gia trực tiếp HTX được đi tham quan, học tập cách làm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh và ngoài tỉnh, từ đó tích lũy kinh nghiệm để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu của quê mình.
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, HTX Sản xuất bún khô 20/10 đã có những thành quả bước đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khâu sản xuất như gỡ bún, phơi khô, đóng gói đòi hỏi sự tỷ mỷ, khéo léo lại hoàn toàn phù hợp với các thành viên là phụ nữ.
Chị Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc HTX, cho biết: Để làm ra những sợi bún khô bảo đảm chất lượng các khâu sản xuất đều đòi hỏi sự tỷ mỷ từ lựa chọn gạo, phải là gạo bao thai Chợ Đồn thì sợi bún mới dai. Công đoạn nhào bột quyết định đến việc sợi bún chín hay sống nên khâu này được đúc kết từ kinh nghiệm sau nhiều lần thất bại.
Công phu nhất là sau khi cho vào máy ép ra bún, mỗi chị em lại nhận bún về dỡ thành sợi phơi khô nhưng chỉ được phơi trong râm, trời nắng phơi khoảng 2 ngày có thể đóng gói xuất xưởng. Cứ 10 kg gạo sản xuất ra 12 kg bún tươi, sau phơi khô còn được 8 kg. Do vậy, sản phẩm làm ra vừa đạt yêu cầu chất lượng, mẫu mã đẹp đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Doanh thu hàng trăm triệu đồng
Mỗi năm, tổng doanh thu của HTX là gần 400 triệu đồng, thu nhập của thành viên bình quân 3.500.000 đồng/người/tháng, lao động làm việc theo thời vụ có mức thu nhập 1.500.000 - 2.000.000 đồng/người/tháng.
Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho 10 lao động tham gia khâu tiêu thụ sản phẩm tại các chợ lân cận và các thị trường, 13 lao động làm việc theo thời vụ, lúc nông nhàn nhận bún tươi về dỡ tại nhà và phơi thành sản phẩm bún khô.
Đến nay, thành viên HTX không còn hộ nghèo. Năm 2016 sản phẩm bún khô của HTX 20/10 đạt giải thưởng “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu”. Để sản phẩm không bị làm nhái, Hội đồng quản trị HTX đã đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ thương hiệu, lô gô, mã số, mã vạch, thiết kế mẫu mã bao bì đủ tiêu chuẩn có thể đưa sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Sự nỗ lực của tập thể HTX còn được công nhận khi sản phẩm bún khô được vinh dự nhận Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, là Sản phẩm vì Sức khỏe cộng đồng và môi trường xanh bền vững năm 2014. Sản phẩm bún khô tiêu thụ trên thị trường luôn nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng và có một số đại lý tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Bà Hoàng Thị Nhạn - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chợ Mới, cho biết: Mô hình của HTX 20/10 do phụ nữ thành lập, quản lý, điều hành hoạt động rất hiệu quả. Ưu điểm của mô hình do phụ nữ quản lý là các thành viên rất cần cù, năng động và nhạy bén trong sản xuất, chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thành viên.
Thời gian tới, Hội Phụ nữ huyện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để triển khai lồng ghép một số dự án hỗ trợ thành lập thêm mô hình HTX và tổ hợp tác do phụ nữ quản lý trên địa bàn huyện, từ đó phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế hợp tác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo