Bắc Kạn: 'Hốt bạc' nhờ trồng nấm an toàn
Từ đam mê trồng nấm của người giáo viên
Chị Lường Thị Giang, người sáng lập Hợp tác xã cho biết, trước khi đến với nghề trồng nấm, chị là giáo viên. Ngoài thời gian dạy ở trường, vào những lúc rảnh rỗi, chị lại tìm tòi, nghiên cứu cách trồng nấm tối ưu. Sau khi nghiên cứu thấy thị trường nấm tại Bắc Kạn và các vùng lân cận rất tiềm năng nên chị đã quyết định bắt tay vào trồng nấm thử nghiệm.
Theo đó năm 2016, chị khởi nghiệp bằng việc đầu tư trồng nấm Hoàng Đế. Nhờ nghiên cứu sâu, nắm chắc kiến thức nên nấm Hoàng Đế của chị Giang phát triển nhanh, chất lượng tốt nhưng sản phẩm làm ra lại khó bán, vì thời điểm đó nấm Hoàng Đế còn chưa được nhiều người Bắc Kạn biết tới.
Không nản chí trước khó khăn ban đầu, chị kiên trì chào bán hàng cho người quen, qua mạng xã hội. Lâu dần chị đã có lượng khách tương đối ổn định, bán được nhiều nấm hơn nhưng sản lượng vẫn ít và bị tư thương ép giá.
Nhận thấy để có thể phát triển nghề trồng nấm này phải nắm chắc công đoạn tạo phôi, làm bịch nấm, nên chị đã chủ động liên hệ với Trung tâm nấm thuộc Viện Di truyền (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và tham gia khóa đào tạo trồng nấm ngắn hạn tại đây. Sau đó, chị quyết định chọn nấm rơm, nấm sò là sản phẩm sản xuất thử nghiệm. Mới đầu, chị trồng 3.000 bịch phôi nấm. Thấy có hiệu quả kinh tế, chị Giang đã tiếp tục thu rơm để làm nấm và sản xuất 4.000 bịch nấm đem lại doanh thu ổn định.
Sau khi tìm hiểu và tham gia lớp tập huấn về mô hình Hợp tác xã do Chi cục Phát triển nông thôn Bắc Kạn tổ chức và được sự ủng hộ từ gia đình, chị Giang đã quyết tâm thành lập Hợp tác xã, vận động các thành viên tham gia. Tháng 1/2018, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Giang đã ra đời dưới sự hỗ trợ, tư vấn của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.
Hướng đi đúng trong phát triển nấm an toàn
Ngay từ ban đầu thành lập, Hợp tác xã Hợp Giang đã xác định nấm ăn, nấm dược liệu là sản phẩm chủ lực với nguồn nguyên liệu sản xuất sẵn có tại địa phương. Hiện tại, Hợp tác xã đã có xưởng sản xuất rộng 660 m2, nhà nuôi trồng rộng 1.300 m2; công xuất và sản lượng đạt 200 kg nấm tươi/ngày, sản xuất hơn 2 vạn bịch phôi nấm cung cấp ra thị trường bán lẻ. Hợp tác xã dự kiến sắp tới sẽ nâng sản lượng lên 300 - 500 kg nấm tươi/ngày, phấn đấu doanh thu năm 2019 đạt 2 tỉ đồng. Hiện nay, Hợp tác xã đang tạo việc làm cho khoảng 15 lao động, có thu nhập ổn định từ 4 - 7 triệu đồng/tháng/người.
Hiện nay, sản phẩm chủ lực của Hợp tác xã là các loại nấm ăn và nấm dược liệu, gồm: Nấm sò, nấm rơm, nấm hoàng đế, mộc nhĩ, linh chi. Các sản phẩm của Hợp tác xã luôn tuân thủ quy định của pháp luật về hàng hóa lưu thông ngoài thị trường như: Chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện kiểm nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm.
Nhờ sản xuất bằng quy trình khắt khe, không dùng chất bảo quản nên sản phẩm của Hợp tác xã Hợp Giang có chất lượng cao. Riêng sản phẩm nấm sò được sản xuất và đóng gói tại Hợp tác xã Hợp Giang đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm nghiệm và công bố sản phẩm được sản xuất đảm bảo sạch, an toàn, đáp ứng Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5322:1991 (CODEX STAN 38-1981) về nấm ăn và sản phẩm nấm ăn, tuân thủ và đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, năm 2018, sản phẩm nấm sò tươi đóng gói của Hợp tác xã được công nhận là sản phẩm tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 3 sao cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình OCOP.
Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Kạn cho biết, trước khi Hợp tác xã Hợp Giang được thành lập thì Bắc Kạn cũng chỉ có một vài hợp tác xã phát triển về lĩnh vực nấm sạch. Tuy nhiên, về quy mô và sự bài bản thì Hợp tác xã Hợp Giang đang dẫn đầu trong tỉnh về lĩnh vực trồng nấm. Đặc biệt, các sản phẩm của Hợp tác xã Hợp Giang rất được thị trường đón nhận và ưu chuộng, hiện cung chưa đủ cầu. Ngoài ra, Hợp tác xã Hợp Giang cũng là một đơn vị có sự hỗ trợ, giúp đỡ rất tốt cho các xã viên.
Thời gian tới, Hợp tác xã Hợp Giang sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất nấm chuẩn hóa dần theo chiều sâu, xây dựng mục tiêu và lộ trình rõ ràng cho từng giai đoạn; có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất đảm bảo đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra; tiếp tục phát triển các sản phẩm mới, phấn đấu có 2 sản phẩm hoàn chỉnh tham gia OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh. Cùng với đó, Hợp tác xã sẽ phân phối mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh; tiếp cận các dự án liên kết chuỗi sản xuất nhằm mở rộng quy mô các dự án về khoa học công nghệ, đa dạng hóa phục vụ thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh