Báo Nhật Bản đánh giá tích cực về triển vọng hợp tác Nhật - Việt
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Giá tôm ở ĐBSCL tăng mạnh, Việt Nam mong muốn xuất khẩu gạo ổn định / BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: Nông nghiệp Việt Nam mất 3,6 triệu USD vì El Nino, xuất khẩu sang Mỹ đạt 35 tỷ USD
Tạp chí điện tử E! Kansai của Cục Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Kansai vừa đăng tải bài viết nhận định hết sức tích cực về triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư với Việt Nam.
Theo bài viết, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Điều đó thể hiện không chỉ thông qua các chuyến thăm chính thức cấp cao giữa chính phủ hai nước thời gian qua mà còn thể hiện trong kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu song phương trong suốt những năm gần đây.
Số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam. (Nguồn: Hải quan Nhật Bản).
Năm 2017, Việt Nam đã chính thức vượt qua Indonesia giành vị trí là quốc gia đứng thứ 9 trong số 10 quốc gia có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Nhật Bản (tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,767.2 tỷ Yên, chiếm tỷ trọng 2,5%) . Ngoài ra, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản luôn được duy trì và có mức tăng trưởng mạnh, kim ngạch thương mại song phương Việt – Nhật tăng từ 8,5 tỷ USD năm 2005 lên mức 33,4 tỷ USD vào năm 2017.
Hoạt động đầu tư, thương mại song phương Việt – Nhật được đánh giá là mang tính tương hỗ, bổ sung cho nhau, góp phần tối ưu hóa lợi ích cạnh tranh của mỗi bên (Nhật Bản có tiềm lực mạnh, công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm và trình độ quản lý cao, trong khi Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên phong phú và một thị trường năng động, tiềm năng).
Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục duy trì, củng cố thương hiệu đối với những mặt hàng đã khẳng định được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản như hàng may mặc, giầy dép, thủy sản, rau quả, đồ gỗ, cà phê, dây cáp điện, sản phẩm điện tử và linh kiện... Việt Nam đang tiếp tục cải thiện nhằm đáp ứng ngày càng tốt các điều kiện, tiêu chuẩn đề ra về chất lượng, mẫu mã hàng hóa nhằm đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, trước mắt tập trung các mặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản, công nghiệp (gia công phần mềm), gia công cơ khí…
Về đầu tư, Nhật Bản là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam với trên 3.700 dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 50 tỷ USD. Năm 2017, Nhật Bản là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 9,11 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn của NB đã có mặt tại Việt Nam với các sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh và hàm lượng kỹ thuật cao, góp phần quan trọng thay thế các mặt hàng nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng trong nước.
Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam; tổng cam kết viện trợ lũy kế đến nay (bao gồm viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay) đạt 30 tỷ USD. Hầu hết các công trình hạ tầng giao thông lớn tại ViệT NAM đều có vốn ODA của NB như cầu Cần Thơ, đường 5, cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn 2...Nguồn vốn này đã và đang trở thành nguồn lực tài chính quan trọng để đầu tư phát triển các lĩnh vực hạ tầng kinh tế, xã hội tại Việt Nam.
Ngoài các lợi ích về kinh tế, việc tăng cường hợp tác, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nâng cao trình độ quản lý, tiếp cận, nắm bắt những công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, Nhật Bản thông qua hoạt động kinh tế, giao thương với Việt Nam làm đa dạng hóa thêm các kênh tiếp cận, tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động kinh tế tại ASEAN.
Thời gian tới, với sự quan tâm của chính phủ hai nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành liên quan của Việt Nam và Nhật Bản, hợp tác thương mại song phương sẽ tiếp tục được duy trì bền vững. Việc hai nền kinh tế tăng cường liên kết sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á” mà lãnh đạo hai nước đã khẳng định trong các chuyến thăm cấp cao, cũng như được thể hiện trong các chương trình, hoạt động cụ thể giữa các địa phương, các ban ngành, các Hiệp hội, tổ chức đoàn thể và các doanh nghiệp hai nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo