Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phải công khai các dự án để "điều trị cơn sốt đất"
Hà Nội: Kiến nghị thu hồi 29 dự án bất động sản chậm triển khai / Thanh tra Chính phủ đề xuất thu hồi 13 dự án BĐS “ôm đất” không thực hiện ở TP.HCM
Giá đất vùng ven tăng chóng mặt
Những năm gần đây, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương chứng kiến nhiều đợt sốt đất, không chỉ tại các dự án ở các thành phố lớn, mà còn ở các thành phố vệ tinh như Đồng Nai, Vân Đồn (Quảng Ninh), Đồng Nai, Phú Quốc, Hớn Quản (Bình Phước)… và gần đây nhất là tại TP.HCM khi thông tin 5 huyện vùng ven đang chuẩn bị chuyển đổi thành quận hoặc thành phố.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn, đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn.
Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi, mục đích của “giới buôn đất” lúc này là mua để đầu cơ chờ thời…
Qua môi giới của các “cò đất”, nhiều người đã đổ về huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước để tìm mua đất gây nên cơn “sốt ảo”.
Đầu năm 2021, cơn sốt đất tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước được cho là do một bộ phần người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500 héc-ta, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương. Tuy nhiên chỉ sau một tuần, bong bóng đã vỡ, và chỉ còn lại hệ quả của một cơn sốt đất nữa tại nước ta.
Mặc dù giới đầu tư bất động sản chưa hết ngỡ ngàng với cú đánh úp của dân đầu cơ trong cơn sốt đất ăn theo thông tin đề xuất việc thành lập sân bay tại huyện Hớn Quản, Bình Phước. Trong những ngày qua các khu vực vùng ven TP.HCM lại bắt đầu râm ran câu chuyện giá đất các huyện sẽ tăng mạnh sau khi có đề xuất chuyển đổi một số huyện thành quận. Cụ thể, mới đây, Sở Nội vụ TP.HCM có tờ trình UBND thành phố về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển đổi 5 huyện (Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè) thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030.
Đáng nói, tuy đề án chuyển đổi 5 huyện ngoại thành TP.HCM lên quận mới chỉ là bước chuẩn bị, thế nhưng thông tin này ngay lập tức tác động đến giá nhà đất tại các địa phương.
Một trong những nơi đang có sự tác động mạnh về giá đó là huyện Cần Giờ. Đây cũng không phải lần đầu tiên khu vực này rơi vào cơn sốt đất sau khi có thông tin mới về dự án đầu tư vào đây. Sau một thời gian dài yên tĩnh, giá đất khu vực bắt đầu nhảy múa khi xuất hiện thông tin xây cầu thay cho phà Bình Khánh, nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè. Ngoài ra, tuyến vận tải hành khách đường thủy TP.HCM - Cần Giờ - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động, cũng góp phần tăng giá đất.
Theo thông tin thu thập tại nhiều đơn vị môi giới đất khu vực Cần Giờ cho thấy, giá đất Cần Giờ hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, một số vị trí đẹp, đất mặt tiền đường duyên hải, đoạn gần đường 30/4 giá đất đã hơn 30 triệu đồng/m2. Một số địa điểm khác như khu vực thị trấn Cần Thạnh còn có giá vượt ngưỡng 50 triệu đồng/m2. Phần lớn các giao dịch mua bán nhà, đất ở huyện Cần Giờ chủ yếu là đầu cơ chờ thời, việc mua nhà, đất để ở là không cao.
Các chuyên gia cảnh báo, hiện giá đất ở các khu vực này không phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế, mà đang dựa trên những thông tin không rõ ràng, thậm chí đồn thổi, khiến thiệt hại không chỉ có người dân, mà còn gây nhiều hệ lụy khác cho xã hội.
Công khai thông tin để... "điều trị cơn sốt đất"
Trước thực trạng trên, mới đây Bộ Xây dựng đã ra văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, một số địa phương xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc ban hành bảng giá đất mới, việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản.
Người dân bị lôi kéo tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản như quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch... Những điều này gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để lợi dụng trục lợi.
Giá đất huyện Cần Giờ (TP.HCM) tăng chóng mặt sau thông tin quy hoạch lên quận.
Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, theo dõi thông tin, có biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng "sốt giá" và "bong bóng" bất động sản.
Các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… Điều này nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Bộ cũng đề nghị thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương. Địa phương cần có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đồng thời, các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông…gây bất ổn cho thị trường; xử lý nghiêm với các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý…vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có).
End of content
Không có tin nào tiếp theo