Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản sẽ bắt đầu 'cuộc đua' mới?

DNVN - Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), khi các luật mới có hiệu lực thực thi từ ngày 1/8, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ. Các doanh nghiệp phát triển dự án bắt đầu cuộc đua mới gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước.

Sắp diễn ra “Ngày hội môi giới bất động sản Việt Nam” / Thị trường bất động sản Việt Nam phục hồi tích cực

Theo VARS, việc Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và khoản 2, điều 209 của Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ có tác động tích cực. Góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản (BĐS).

Khi các luật có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ. Các doanh nghiệp phát triển dự án bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước. Các chủ đầu tư tự tin hơn với việc ra hàng.

Nhà đầu tư được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào BĐS. Môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới tích cực nâng cao năng lực, tuyển quân, bồi dưỡng kiến thức, đáp ứng các quy định mới.

Nhà đầu tư đang được tiếp thêm niềm tin, thúc đẩy dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng chảy vào BĐS.

VARS cho rằng, trong khoảng thời gian chờ các bộ luật mới "ngấm", thị trường BĐS sẽ tiếp tục phục hồi chậm rãi, bền vững, với kết quả tốt dần lên. Đến cuối năm, quá trình phục hồi của thị trường BĐS sẽ có tiến triển rõ nét. Kết quả phục hồi sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực nhưng với mức độ phân hóa đồng đều hơn.

Về phân khúc nhà ở, VARS dự báo, nguồn cung trong nửa cuối năm 2024 sẽ tiếp tục được cải thiện. Ước tính tăng khoảng 20% so với 6 tháng đầu năm 2024. Nhu cầu mua nhà để ở sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cùng với nhu cầu đầu tư phục hồi khoảng 30% so với hồi đầu năm và hướng tới các thị trường mới.

Lượng giao dịch nhà ở dự kiến tăng khoảng 20% so với nửa đầu năm do nguồn cung dự kiến chỉ “bật tăng" vào thời điểm cuối năm. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp cũng chuyển biến rõ nét khi nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp BĐS phát huy hiệu quả tốt hơn.

Cùng với đó, giao dịch và giá bán biệt thự/liền kề, nhà phố được cải thiện trên diện rộng. Nhất là trên thị trường thứ cấp, nhờ nền tảng phục hồi trước đó và kỳ vọng về mức lợi nhuận cao hơn của nhà đầu tư.

Đất nền thoát "đáy" giảm giá, dần trở lại là "kênh đầu tư vua". Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ "săn đón" đất đấu giá, các lô đất đã tách thửa, ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá chưa quá cao.

Phân khúc nhà ở xã hội cũng đứng trước cơ hội "đảo chiều" khi các quy định mới theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được thực thi hiệu quả. Phân khúc BĐS công nghiệp tiếp tục tăng trưởng với hoạt động thâu tóm quỹ đất để phát triển khu công nghiệp (KCN) của các tập đoàn.

Các mô hình KCN bền vững sẽ được thúc đẩy phát triển khởi sắc và nhanh hơn, góp phần phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn như chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, nguồn cung phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng tiếp tục được cải thiện với nhiều hơn doanh nghiệp “can đảm" ra hàng. Tuy nhiên, số lượng sẽ không đáng kể do thị trường BĐS chung chưa thực sự khởi sắc.

Thời gian tới, khi các bộ luật có hiệu lực thực thi, bảng giá đất mới sẽ cao hơn. Đồng nghĩa với việc tính tiền sử dụng đất cao hơn, người dân được hưởng mức đền bù nhiều hơn còn doanh nghiệp đối mặt với áp lực về nguồn vốn có sẵn lớn hơn.

Với sân chơi mới này, thị trường sẽ chỉ còn chỗ đứng cho các chủ đầu tư làm ăn bài bản, có quỹ đất lớn, có nguồn lực tài chính và có năng lực.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm