Bất động sản

Thúc đẩy thị trường bất động sản: Báo chí cần tránh “giật tít”, “câu view”

DNVN - Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, để phát huy tối đa vai trò của báo chí, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, các cơ quan cáo chí, truyền thông cần phản ánh một cách trung thực. Tránh hiện tượng “giật tít”, “câu view”, gây hoang mang dư luận.

Kiều hối sẽ là trợ lực mới cho thị trường bất động sản / Thị trường bất động sản thương mại bán lẻ có nhiều dư địa phát triển

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển thị trường bất động sản (BĐS). Sự minh bạch, trung thực và chuyên nghiệp của báo chí góp phần hỗ trợ thị trường BĐS phát triển theo hướng minh bạch, ổn định hơn.

Các cơ quan truyền thông, báo chí đóng vai trò là cầu nối, cung cấp, phổ biến các báo cáo, phân tích, nhận định về tình hình thị trường. Bao gồm những thông tin về chuyển động thị trường, xu hướng, cung cầu, giá bán. Đồng thời, là đơn vị phổ biến về cơ chế chính sách, pháp luật của Nhà nước, giúp người dân và nhà đầu tư nắm bắt kịp thời.

Báo chí cũng là đơn vị điều tra và đưa tin các vụ việc ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường BĐS, liên quan đến lừa đảo, gian lận trong mua bán và đầu tư, giúp bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, báo chí còn cung cấp các bài viết hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm về mua bán, đầu tư và quản lý BĐS. Đăng tải các phân tích chuyên sâu, dưới góc nhìn đa chiều của các chuyên gia hàng đầu trong ngành.

Qua đó, giúp độc giả hiểu rõ hơn về các khía cạnh phức tạp của thị trường. Giúp người mua có cái nhìn rõ ràng hơn, góp phần làm tăng cường tính minh bạch, hiệu quả, có tính dự báo đối với thị trường BĐS Việt Nam.

Báo chí là kênh quan trọng để các chủ đầu tư và doanh nghiệp BĐS giới thiệu, quảng bá các dự án mới đến với khách hàng.

Cũng theo VARS, báo chí còn đóng vai trò cộng sinh, là kênh quan trọng để các chủ đầu tư và doanh nghiệp BĐS giới thiệu, quảng bá các dự án mới đến với khách hàng. Thông qua các bài viết và quảng cáo trên báo chí, doanh nghiệp sẽ được tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu và thu hút sự quan tâm của khách hàng tiềm năng.

Ngược lại, thông qua các kênh truyền thông báo chí, khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về dự án, về doanh nghiệp một cách nhanh chóng, đầy đủ. Ngoài ra, báo chí còn hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình xây dựng chính sách, là cầu nối các chủ thể hoạt động trong thị trường với Nhà nước.

Thực tế thời gian qua, báo chí đã đồng hành xuyên suốt trong quá trình góp ý các dự thảo Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở. Thông qua báo chí, truyền thông, hàng loạt các ý kiến góp ý của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân trong cả nước và người Việt Nam ở nước ngoài đã được trực tiếp hoặc gián tiếp đóng góp cho Chính phủ.

Thời gian tới, báo chí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng, các chuyên gia, đưa thông tin hành lang pháp lý mới về đất đai, kinh doanh BĐS và nhà ở. Báo chí tiếp tục tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý và hành vi của nhà đầu tư, có thể tạo ra hoặc thúc đẩy các xu hướng cho thị trường BĐS phát triển.

“Do đó, để phát huy tối đa vai trò của báo chí, góp phần tích cực vào việc định hướng, phát triển thị trường một cách lành mạnh, các cơ quan báo chí, truyền thông cần “tôn trọng sự thật”, phản ánh một cách trung thực các vấn đề của thị trường.

Tránh hiện tượng “giật tít”, “câu view”, gây hoang mang dư luận. Các thông tin cần được cập nhật một cách thường xuyên, liên tục, bảo đảm tính thời sự và kịp thời, với các góc nhìn đa chiều, để độc giả có đủ căn cứ nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề một cách chắc chắn”, VARS nhấn mạnh.

Báo chí cần tích cực khai thác và phản ánh các thông tin từ nhiều nguồn chất lượng và chính thống (cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia trong mọi lĩnh vực, các doanh nghiệp, khách hàng, nhà đầu tư..) để làm phong phú thông tin, dữ liệu liên quan tới thị trường BĐS.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm