Bất động sản

Doanh nghiệp BĐS gặp khó vì điểm nghẽn chấp thuận chủ trương đầu tư

(DNVN) - 'Việc cơ quan nhà nước chưa giải quyết chấp thuận chủ đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án BĐS là điểm nghẽn của thi trường bất động sản hiện nay”, Chủ tịch HoREA nói.

HoREA đề xuất 'cởi trói' cho dự án có sai phạm trong giao đất / TP.HCM: Khu Tây Bắc là điểm sáng BĐS vào dịp cuối năm

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ban, ngành về việc khẩn trương giải quyết điểm nghẽn về chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để tháo gỡ những khó khăn, ách tắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định.

Doanh nghiệp dễ rơi vào nhóm nợ xấu

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay các quy định pháp luật liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án đang là rào cản khá lớn đối với thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn TP.HCM.

Ông Châu nhận định, Luật Đất đai năm 2013 quy định tổ chức kinh tế được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ... trong trường hợp thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc do nhận chuyển nhượng quỹ đất sạch của dự án, bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dụng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là hết sức bất cập.

Theo HoREA, cần sửa đổi các quy định còn bất cập của Luật Đất đai 2013 đang gây cản trở các dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư mới (Ảnh: TL)

Theo HoREA, cần sửa đổi các quy định còn bất cập của Luật Đất đai 2013 đang gây cản trở các dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư mới (Ảnh: TL)

Các quy định này gây cản trở các dự án phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư mới, kể cả các khu dân cư nông thôn... bởi lẽ, các dự án này đều sử dụng chủ yếu quỹ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng.

“Việc cơ quan nhà nước chưa giải quyết chấp thuận chủ đầu tư đối với các trường hợp doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chuyên dùng để thực hiện dự án BĐS là điểm nghẽn đầu tiên trong 7 điểm nghẽn của thi trường BĐS hiện nay”, ông Châu cho hay.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, chấp thuận chủ đầu tư là bước đi đầu tiên phải đạt được để thực hiện tiếp các bước chuẩn bị đầu tư dự án. Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn (bao gồm cả vốn vay, vốn huy động) để giải phóng mặt bằng và thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư.

Đây cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến các sụt giảm về nguồn cung dự án, sản phẩm nhà ở, căn hộ vừa túi tiền, giao dịch BĐS.

 

Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, dễ dẫn đến bị rơi vào nhóm nợ xấu, mất cơ hội đầu tư, kinh doanh, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Cần tháo gỡ để thị trường BĐS phát triển

Từ những bất cấp trên, Hiệp hội đã có kiến nghị trình lên Chính phủ về vấn đề “đất ở. Theo đó, đối với đất "có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, đáp ứng một trong các điều kiện sau: đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hoặc đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án xây dựng nhà ở; hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng là để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở" để các địa phương có căn cứ thực hiện, khắc phục điểm nghẽn này.

Đối với UBND TP.HCM, Hiệp hội cũng kiến nghị đối với dự án có quỹ đất hỗn hợp bao gồm đất ở và các loại đất khác cần phải chuyển mục đích sử dụng đất đã được Sở Kế hoạch Đầu tư thụ lý hồ sơ trình UBND TP ban hành "Quyết định chủ trương đầu tư" dự án nhà ở thương mại theo quy định của Luật Đầu tư theo các bước:

Thứ nhất, Sở Quy hoạch Kiến trúc nhận và thụ lý hồ sơ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án của "Nhà đầu tư" trình UBND TP phê duyệt.

 

Việc chấp thuận chủ đầu tư là bước đi đầu tiên phải đạt được để thực hiện tiếp các bước chuẩn bị đầu tư dự án (Ảnh: TL)

Việc chấp thuận chủ đầu tư là bước đi đầu tiên phải đạt được để thực hiện tiếp các bước chuẩn bị đầu tư dự án (Ảnh: TL)

Thứ hai, Sở Xây dựng chủ trì Tổ chuyên gia xem xét trình Ủy ban nhân dân thành phố "Quyết định chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại" đối với các dự án nhà ở có quỹ đất xen cài đất ở với đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp.

Thứ ba, Sở Tài nguyên Môi trường thực hiện các công tác: Trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định giao đất dự án cho chủ đầu tư; Chủ trì công tác xác định giá đất cụ thể của dự án nhà ở thương mại; Phối hợp với Sở Tài chính trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố để xem xét trước khi trình UBND TP quyết định tiền sử dụng đất của dự án.

 

Hiệp hội nhận thấy chỉ có TP.HCM và TP.Hà Nội có Sở Quy hoạch Kiến trúc (các tỉnh và thành phố khác chỉ có Sở Xây dựng). Do vậy, Hiệp hội nhận thấy "bước 1" và "bước 2" nêu trên có thể rút gọn thành 1 bước, như sau: "Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tổ chuyên gia để thẩm định quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đồng thời quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hoặc bản vẽ tổng mặt bằng dự án và chấp thuận chủ đầu tư dự án", để rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm