Bất động sản

Lâm Đồng: Vẫn còn nhiều công trình nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất rừng

DNVN - Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp diễn ra khá nhức nhối tại tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn, xử lý nhưng thực tế mới chỉ kéo giảm được chứ chưa thể ngăn chặn triệt để, điều này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý và phát triển rừng mà còn ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường chung.

Khánh Hoà vào cuộc ngăn sốt đất, xử lý đầu cơ tung tin thổi giá / Bình Dương: Chủ đầu tư dự án Hồ Gươm Xanh bị “tuýt còi” vì xây dựng không phép

Nhiều công trình xây dựng trái phép trên đất rừng

Tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua liên tiếp xảy ra tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch rừng (đất lâm nghiệp) diễn biến phức tạp, chủ yếu tại các khu vực như huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà cùng 2 thành phố Bảo Lộc và Đà Lạt. Điều này làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất lâm nghiệp, quản lý và phát triển rừng, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường chung của địa phương.

Trong đó phải kể đến là Khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay (trên đèo Mimoza, thuộc phường 10, TP Đà Lạt) dù không được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng nhưng nơi đây đã được các cá nhân tự ý xây dựng trái phép rồi đưa vào hoạt động kinh doanh du lịch.

Ngay sau khi phát hiện sai phạm, chính quyền đã tổ chức vận động chủ sử dụng tự nguyện tháo dỡ trong thời hạn không quá 60 ngày. Trường hợp chủ sử dụng không tự giác tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế để tháo dỡ. Việc kiểm tra, xử lý phải được tổ chức khẩn trương, đảm bảo mỹ quan đô thị; hoàn thành việc tháo dỡ trước ngày 30/9/2021.

Khu du lịch “Vườn thượng uyển bay” trên đèo Mimoza, thuộc phường 10, TP Đà Lạt không được cấp giấy phép xây dựng.

Khu du lịch Vườn thượng uyển bay (trên đèo Mimoza, thuộc phường 10, TP Đà Lạt) không được cấp giấy phép xây dựng.

Trước đó, năm 2020, cũng tại dự án Khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay này, Hợp tác xã du lịch canh nông tổng hợp Xuân Ái Hùng đã hoàn thành đưa vào sử dụng khi mới chỉ có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Lâm Đồng, chứ chưa có giấy phép xây dựng cũng như chưa đủ các điều kiện để đưa dự án vào kinh doanh. Tại dự án này, chủ đầu tư đã cho xây dựng 4 khối công trình không có giấy phép xây dựng với tổng diện tích vi phạm hơn 3.500 m2.

Sau khi bị báo chí phản ánh, UBND phường 10 (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết, UBND TP Đà Lạt đã có văn bản về việc buộc tháo dỡ khắc phục hậu quả đối với công trình ở khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay. Tuy nhiên đến nay, nhiều hạng mục tại khu du lịch canh nông Vườn thượng uyển bay vẫn tồn tại, thách thức cơ quan chức năng.

Một dự án tương tự đó là “Làng biệt thự” xây dựng không phép trên đất rừng tại Đà Lạt bị cơ quan chức năng yêu cầu tự tháo dỡ. Sau phản ánh của báo chí, UBND huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã lập đoàn cưỡng chế để tháo dỡ "làng biệt thự" xây dựng không phép trên đất rừng tại tiểu khu 268, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Khu rừng bị lấn chiếm thuộc dự án của Công ty cổ phần du lịch sinh thái Phương Nam.

Khoảnh rừng bị chiếm xây "biệt thự" là khoảnh rừng đẹp, nằm giao giữa địa phận TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng, nằm kề bên Khu du lịch thác Prenn danh tiếng và Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Trước những sai phạm này, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an địa phương tiến hành điều tra, hoàn thiện hồ sơ để xử lý dứt điểm các vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ rừng.

Ngoài ra, còn hàng loạt sai phạm khủng tại Hồ Tuyền Lâm. Theo đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Lâm Đồng kiên quyết phá dỡ các công trình vi phạm, xử lý triệt để hành vi lấn chiếm, phá rừng phòng hộ, xây dựng không phép, sai phép tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm.

Nhà kính “mọc” trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại TP Đà Lạt. (Ảnh: G.B)

Nhà kính “mọc” trái phép trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại TP Đà Lạt. (Ảnh: G.B)

Có thể thấy, tình trạng lấn chiếm đất rừng để xây dựng các công trình kiên cố, nhà lưới, nhà kính và làm những việc không được cho phép tại Lâm Đồng, đặc biệt là TP Bảo Lộc và Đà Lạt diễn ra rất nhiều. Theo số liệu thống kê của UBND TP Đà Lạt, trong vòng 5 năm qua, trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 502 vụ lấn chiếm, tái lấn chiếm, san ủi trái phép đất lâm nghiệp với diện tích 99,46 ha. UBND các phường, xã, đơn vị chủ rừng đã phối hợp với các đơn vị chức năng giải tỏa, thu hồi 133,57 ha diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, tái lấn chiếm trái phép và bàn giao cho đơn vị chủ rừng trồng lại rừng trên diện tích bị lấn chiếm và quản lý theo quy định.

Theo UBND TP Đà Lạt, đối với những trường hợp lấn chiếm đất rừng, UBND thành phố đã chỉ đạo kiên quyết xử lý giải tỏa, thu hồi và đơn vị chủ rừng tổ chức trồng cây phân tán để chống lấn chiếm. Đồng thời, vận động các hộ dân ký cam kết không lấn chiếm, chặt phá cây rừng, cây phân tán trên diện tích giáp ranh (trong bản cam kết xác định tọa độ ranh giới, diện tích, hiện trạng cây trồng) để làm cơ sở kiểm tra sau này. Mới đây nhất, Phường 5, Phường 3... cũng đã kiên quyết giải tỏa một số công trình, diện tích nhà lưới, nhà kính do người dân xây dựng trên đất lâm nghiệp.

Gắn trách nhiện quản lý rừng cho lãnh đạo địa phương

Có thể thấy, tình trạng xây dựng công trình, làm nhà lưới, nhà kính trên đất quy hoạch rừng (đất lâm nghiệp) tại Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, mới đây UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương kiểm tra, xử lý tình trạng xây dựng công trình, làm nhà kính, nhà lưới trên đất quy hoạch lâm nghiệp.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc thành lập tổ công tác để tổ chức kiểm tra, xử lý, tháo dỡ toàn bộ nhà kính, nhà lưới trên diện tích đất lâm nghiệp. Đối với những công trình vi phạm, trước mắt vận động chủ sử dụng tự nguyện tháo dỡ trong thời hạn không quá 60 ngày. Trường hợp không tự giác tháo dỡ thì tổ chức cưỡng chế. Việc kiểm tra, xử lý, tháo dỡ phải được tổ chức khẩn trương, hoàn thành trước ngày 30/9 tới.

Nhiều công trình nhà kính lấn đất lâm nghiệp.

Nhiều công trình nhà kính lấn đất lâm nghiệp.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu chính quyền các địa phương đặc biệt chú ý các tuyến đường dẫn vào TP Đà Lạt - nơi có nhiều công trình xây dựng nhà kính, nhà lưới xây dựng trái phép trên đất rừng, như: tuyến đường cao tốc Liên Khương- Prenn, đèo Pren, đèo Mimoza, tuyến đường 723 (Quốc lộ 27C) và các tuyến đường cửa ngõ vào TP Đà Lạt để sử dụng đất đúng mục đích cho mục tiêu phát triển rừng, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị.

Đồng thời, UBND tỉnh yêu cầu ban ngành chức năng tổ chức vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn tích cực trồng hoa, cây xanh trên diện tích đất trống, dọc các tuyến đường giao thông, bờ lô, bờ thửa để tạo dải cây xanh, mảng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; che chắn, giảm bớt tác động của hệ thống nhà kính dày đặt đang “mọc” trên đất nông nghiệp (nhất là ở Đà Lạt) nhằm tăng tỷ lệ che phủ của cây xanh.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nếu tình trạng các công trình nhà kính, nhà lưới tiếp tục xây dựng trên đất lâm nghiệp thì tỉnh sẽ đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn, như: Xử lý kỷ luật, gắn trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giữ rừng với việc đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ lãnh đạo các địa phương.

Cần phải khẳng định rằng, thời gian gần đây, Lâm Đồng đã rất kiên quyết và xử lý mạnh tay, tương đối quyết liệt đối với các vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp để xây dựng nhà lưới, nhà kính và làm những việc không được cho phép. Đây chính là cơ sở và yếu tố tiên quyết để tỉnh hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 sẽ khôi phục lại độ che phủ rừng với diện tích hơn 52.000 ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp ổn định.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm