Bất động sản

Lối đi nào cho các doanh nghiệp BĐS trên sàn chứng khoán?

(DNVN) - Xu hướng niêm yết lên sàn chứng khoán của các công ty bất động sản tại Việt Nam đang ngày một nhiều hơn khi thị trường có nhiều diễn biến mới, điều này đã mở ra một cơ hội đầu tư mới.

Vì sao giá cho thuê bất động sản Hồ Tây luôn cao? / Ai đang nhiễu loạn giá trị bất động sản mà người tiêu dùng chưa biết?

'Đua nhau' lên sàn để tìm vốn

Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, giảm từ 45% trong năm 2018. Đồng thời, thông tư 19 cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản từ mức 150% lên 200%.

Đông thái này có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước đang siết mạnh tín dụng đối với lĩnh vực cho vay BĐS. Để có nguồn vốn phát triển dự án, hạn chế sự phụ thuộc vào vốn của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm đến sàn chứng khoán để huy động vốn.

Minh chứng cụ thể, trong năm 2017, đã có 11 doanh nghiệp BĐS lên sàn chứng khoán như: Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE), Công ty cổ phần Đầu tư Everland (EVG), Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực miền Trung (LEC), Công ty cổ phần Kosy (KOS)…

Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons giao dịch phiên đầu trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (Ảnh: VĐ)

Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons giao dịch phiên đầu trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (Ảnh: VĐ)

Trong năm 2018, làn sóng lên sàn các doanh nghiệp BĐS tiếp tục lan mạnh. Hàng loạt ông lớn như Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI), Đạt Phương, Hải Phát, Công ty Cổ phần Địa ốc First Real, CENLand (thuộc CENGroup)… và mới đây nhất là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons cũng đã chính thức lên sàn.

Nói về điều này, TS.LS Bùi Quang Tín cho rằng, thị trường chứng khoán hiện nay được xem là kênh tìm vốn hợp lý của các doanh nghiệp BĐS bởi nguồn vốn cho BĐS thường lớn và dài hạn, trong khi các ngân hàng đang có xu hướng siết chặt tín dụng vào lĩnh vực này. Từ đây xuất hiện cơ hội đầu tư mới cho các nhà đầu tư.

Về tiềm năng và cơ hội đầu tư từ cổ phiếu BĐS, ông Tín cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào BĐS đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam. Nếu năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào BĐS chỉ ở mức 3 tỷ USD thì năm nay, chỉ trong 6 tháng nguồn vốn này đổ vào Việt Nam đã đạt hơn 5,5 tỷ USD.

trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào BĐS đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam (Ảnh: VĐ)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, FDI đổ vào BĐS đã chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam (Ảnh: VĐ)

 

"Các dự án bất động sản được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ dồn vào các dự án khách sạn, nghỉ dưỡng như trước đây mà còn phát triển cả các dự án nhà ở và hạ tầng đô thị", ông Tín nói.

Theo TS.Bùi Quang Tín, xu hướng BĐS hình thành từ dòng các Quỹ đầu tư ngoại tập trung vào các phân khúc nhà ở trung cấp và bình dân. Có thể dẫn chứng những thương vụ giao dịch trong 3năm trở lại đây như: Nhà đầu tư Nhật Bản Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác cùng Nam Long, hoặc Sanyo Homes và Tiến Phát, gần đây nhất là liên doanh giữa Mitsubishi Corporation và Phúc Khang.

Doanh nghiệp cần thận trọng

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn và thiếu các cơ hội đầu tư an toàn, thì kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng ngày càng tích cực và tăng trưởng ổn định. Chính điều này đã thu hút dòng tiền của các nhà đầu tư thế giới đổ về lĩnh vực BĐS Việt Nam.

 

Dù lạc quan là thế nhưng TS. Sử Ngọc Khương - Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần phải thận trọng hơn trong hoạt động kinh doanh BĐS. Bởi hoạt động BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế.

hoạt động BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế (Ảnh: VĐ)

Hoạt động BĐS luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn, nhất là khi điều kiện nguồn cung hạn chế (Ảnh: VĐ)

Ngoài ra, quỷ đất sạch ngày càng thu nhỏ, thủ tục kéo dài, hay việc kiểm soát chất lượng sản phẩm sau bàn giao đều có thể ảnh hưởng đến chu kỳ của thị trường. "Hiện nay các quy định đang siết cho vay với những ngành rủi ro cao như BĐS, chứng khoán..., trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay của các ngân hàng thương mại cũng đã gần hết", ông Khương chỉ rõ.

 

Ông Khương cho rằng, việc Thông tư 36/2014/TT-NHNN sửa đổi và Chỉ thị 04/CT-NHNN của Ngân hàng nhà nước về kiểm soát tín dụng chặt chẽ vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như BĐS, chứng khoán… Trên thực tế các ngân hàng khó còn “room” tín dụng để cho vay BĐS và tỉ lệ tín dụng vào ngành địa ốc có khả năng giảm xuống trong năm 2019.

Tuy nhiên, xét trên bình diện rộng hơn, triển vọng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng cũng khá lạc quan khi các nhà phát triển BĐS có những chiến lược kết hợp rất cụ thể nhằm tận dụng thế mạnh của nhau.

Ngoài ra, đà tăng trưởng từ chính sách cũng góp phần vào sự hồi phục đáng kể của thị trường giao dịch, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đặc biệt là nhóm BĐS.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm