Bất động sản

Long An sẽ trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản

DNVN - Theo DKRA, Long An trở thành địa phương dẫn đầu về nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ và giá bán toàn thị trường. Nguồn cung của tỉnh này đạt 845 nền, cao nhất trong 5 địa phương, gấp khoảng 6 lần Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trong khi TP.HCM không có nền nào được bán ra.

TP.HCM: Ban bồi thường quận 3 chi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng “vô tội vạ” / Cò đất “lộng hành” rao bán cả trụ sở Đội Cảnh sát PCCC ở TP.HCM

DKRA Việt Nam vừa tổ chức hội nghị báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM và vùng phụ cận quý đầu năm.

Đất vùng ven lên ngôi

Trình bày báo cáo diễn biến thị trường, ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của DKRA cho biết, diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường BĐS TP.HCM và vùng phụ cận quý I/2021 là có nhiều biến động trái chiều ở những phân khúc khác nhau cũng như các địa phương.

Cụ thể ở phân khúc đất nền, nguồn cung tại thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh giảm nhẹ, tuy nhiên tỷ lệ tiêu thụ tăng 37% so với quý trước. Khi quỹ đất sạch tại TP.HCM ngày càng khan hiếm, thị trường đất nền vùng ven tiếp tục giữ vị thế chủ lực. Trong đó, Long An dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ mới toàn thị trường.

Cụ thể, ông Hoàng cho biết, nguồn cung của Long An đạt 845 nền, cao nhất trong 5 địa phương, gấp khoảng 6 lần Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu trong khi TP.HCM không có nền nào được bán ra. Bản thân Long An chiếm 65% nguồn cung đất nền mới toàn thị trường. Tỷ lệ tiêu thụ của Long An cũng đạt 90%.

Không riêng về nguồn cung, giá bán đất nền Long An cũng ở mức cao, dẫn đầu thị trường, trung bình đạt 27 triệu đồng/m2. Giá đất nền cao nhất được giao dịch có thể lên tới gần 50 triệu đồng/m2, gấp 4 - 5 lần mức cao nhất của các tỉnh khác.

Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam, Long An trở thành địa phương dẫn đầu về nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ và giá bán toàn thị trường.

Theo ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam, Long An trở thành địa phương dẫn đầu về nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ và giá bán toàn thị trường.

Tại TP.HCM, giao dịch trên thị trường chủ yếu là nguồn hàng tồn kho các dự án mở bán những năm trước hoặc dự án đất dân hộ lẻ, quy mô nhỏ, do cá nhân tự đứng ra phân lô tách thửa để bán. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức trung bình không có nhiều biến động so với giai đoạn cuối năm 2020.

Ông Hoàng ghi nhận giá đất tăng cục bộ 2 - 5% mở một số huyện vùng ven có thông tin quy hoạch hoặc sớm được nâng cấp lên quận so với thời điểm trước Tết. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường chỉ ở mức trung bình và không xảy ra tình trạng “sốt đất giá ảo” thường thấy ở những năm trước.

Với nhà phố, biệt thự, Đồng Nai trở thành địa phương có số nguồn cung cao nhất thị trường, lên tới 1.623 sản phẩm. Các địa phương khác hầu như không có sản phẩm như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Riêng TP HCM có 346 nhà phố, biệt thự. DKRA nhận định Đồng Nai tiếp tục là địa phương dẫn đầu nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Giá bán sơ cấp cao nhất tại Đồng Nai khoảng 66,3 tỷ đồng/căn, chỉ thấp hơn TP.HCM 94,5 tỷ đồng/căn.

Ở thị trường căn hộ, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của DKRA ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm gần một nửa so với quý trước. Căn hộ hạng A vẫn là phân khúc chủ đạo của thị trường, đồng thời căn hộ hạng sang có sự gia tăng đáng kể. Thị trường tiếp tục vắng bóng căn hộ hạng C. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung ở Khu Đông TP.HCM với giá bán tăng mạnh khi TP.Thủ Đức chính thức được thành lập. Nhiều dự án tăng giá chạm ngưỡng căn hộ hạng sang.

Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung tăng mạnh đối với loại hình biệt thự biển (3,2 lần) và condotel (7,4 lần) so với quý trước. Riêng nhà phố/shophouse có sự sụt giảm nguồn cung khoảng 60%, nhưng sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức khá thấp và tiếp tục sụt giảm. Các dự án tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc và Bình Thuận.

“Diễn biến đáng chú ý nhất là tại TP.HCM, mặt bằng giá tăng cục bộ ở phân khúc đất nền theo thông tin quy hoạch và nâng cấp lên quận ở những huyện vùng ven. Ở phân khúc căn hộ, giá bán cũng điều chỉnh tăng với việc thành lập TP.Thủ Đức, thậm chí nhiều dự án thiết lập mặt bằng giá mới chạm ngưỡng phân khúc hạng sang”, ông Nguyễn Hoàng cho biết.

Cẩn trọng với những chủ đầu tư lách luật

Theo DKRA, trong 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam dù có nhiều biến động nhưng vẫn phát triển mạnh mẽ ở mọi khía cạnh với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh các chủ đầu tư nước ngoài quen thuộc, những thương hiệu chủ đầu tư “nội địa” bắt đầu lớn mạnh không ngừng, trưởng thành chuyên nghiệp và thể hiện sự vượt trội. Họ đã tạo ra nhiều thay đổi cũng như những xu hướng mới, dẫn dắt sự phát triển của thị trường.

Với lợi thế sẵn có, các chủ đầu tư trong nước không bị giới hạn ở một vài thành phố lớn mà đã tiên phong khai phá tiềm năng của những vùng đất mới, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, kinh tế địa phương, hình thành nên nhiều thị trường mới sôi động.

Chủ đầu tư trong nước ngày càng lớn mạnh được thể hiện ở năng lực tài chính mạnh mẽ và sự nghiêm túc trong việc thực hiện các quy trình, hồ sơ pháp lý theo quy định luật pháp.

Họ cũng đầu tư mạnh cho ứng dụng công nghệ trong các khâu quản lý đầu tư, quảng cáo, tiếp thị, bán hàng, quản lý - vận hành dự án,… và thay đổi cách thức tổ chức bán hàng, đồng thời đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng hấp dẫn.

Theo DKRA Vietnam, vẫn có những chủ đầu tư lách luật trong việc tổ chức bán hàng hoặc đưa ra điều khoản không cân bằng mang đến rủi ro, thiệt thòi cho người mua khi ký kết hợp đồng mua bán…Sau khi thu tiền tỷ từ khách hàng, đến nay dự án Rome Diamond Lotus vẫn chỉ là bãi đất trống.

Vẫn có những chủ đầu tư lách luật tổ chức bán hàng khi dự án chưa đủ pháp lý sẽ gây thiệt hại cho khách hàng. (Trong ảnh: Dự án Rome Diamond Lotus do Phúc Khang Corporation làm chủ đầu tư vẫn là bãi đất trống sau nhiều lẫn mở bán và thu tiền từ khách hàng).

Ngoài việc tạo ra sản phẩm mới, xu hướng sống mới, một ít chủ đầu tư lớn còn xây dựng hệ sinh thái liên kết, bổ trợ giá trị cho nhau. Được đầu tư và phát triển bài bản, các dự án do chủ đầu tư trong nước đạt tỷ lệ lấp đầy dân cư về sinh sống nhanh nhất, làm cho giá trị bất động sản tăng nhanh.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, sự lớn mạnh của chủ đầu tư trong nước cũng mang đến nhiều bất cập. Dễ nhận thấy nhất là thị trường thường rơi vào tình trạng bất ổn (sôi động/quá nóng) ở những khu vực có dự án của chủ đầu tư lớn trong nước xuất hiện.

Mức giá sản phẩm đưa ra phần lớn cao hơn mặt bằng chung của khu vực, góp phần thúc đẩy những mặt bằng giá mới. Đồng thời, đa số chủ đầu tư trong nước chỉ tập trung vào phân khúc trung cấp, cao cấp mà bỏ ngỏ phân khúc căn hộ/nhà ở vừa túi tiền.

Bên cạnh đó, vẫn có những chủ đầu tư lách luật trong việc tổ chức bán hàng hoặc đưa ra điều khoản không cân bằng mang đến rủi ro, thiệt thòi cho người mua trong hợp đồng mua bán.

Tuy nhiên, qua góc nhìn tổng thể của DKRA Vietnam, trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay còn nhiều phức tạp, sự xuất hiện của các chủ đầu tư “đầu đàn” trong nước là điều cần thiết để góp phần chuyển biến thị trường ngày càng chuyên nghiệp, diện mạo đô thị thêm phát triển hiện đại. Quyền lợi của người mua cũng được đảm bảo tốt hơn với những sản phẩm có giá trị hơn.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm