Thị trường

Bến Tre: Hiệu quả từ sản xuất dừa theo chuỗi ở Thạnh Trị

Sự ra đời của tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ dừa trái xã Thạnh Trị (Bình Đại, Bến Tre) đang mở ra một hướng đi mới cho người trồng dừa, góp phần nâng cao giá trị, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Tổ hợp tác đang phát huy hiệu quả nhờ sản xuất an toàn

Bứt phá thành công

Tổ hợp tác (THT) Thạnh Trị được thành lập từ tháng 5/2013, với 19 thành viên, trụ sở chính tại ấp Bình Phú. THT xuất phát điểm với không ít khó khăn về vốn sản xuất, trình độ nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất thiếu, khoa học – kỹ thuật yếu…

Tuy nhiên, sau hơn 6 năm hoạt động, với các bước đi bài bản, THT Thạnh Trị đang có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn vào quá trình xây dựng kinh tế, xã hội địa của địa phương.

Ông Nguyễn Trí Công – Tổ trưởng THT, chia sẻ: “Trong quá trình hoạt động, THT nhận được sự trợ lực thiết thực, kịp thời của các cấp lãnh đạo, đồng thời, có sự phối hợp tích cực của các bên liên kết (THT, doanh nghiệp, thành viên), vì vậy, các kế hoạch kinh doanh nhanh chóng phát huy hiệu quả”.

Nhờ hoạt động ổn định, từ 25 ha diện tích dừa ban đầu, đến nay, THT đã mở rộng diện tích trồng dừa lên hơn 64 ha. Toàn bộ diện tích của thành viên THT đều có liên kết sản xuất, hỗ trợ bao tiêu với doanh nghiệp.

“Sau khi ký kết hợp đồng tiêu thụ dừa với công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre, THT đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm dừa. Sự hiện diện của công ty góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng ép giá của các thương lái”, ông Nguyễn Trí Công nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thông qua mô hình liên kết, tổ hợp tác, nông dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc vườn dừa hiệu quả; được hỗ trợ vật tư nông nghiệp trả chậm từ phía công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre.

Công ty cũng sử dụng lao động tại chỗ, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

THT sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết để nâng cao hiệu quả

Chú trọng an toàn

Hơn 6 năm hoạt động, các thành viên, nông dân liên kết với THT đang được hưởng nhiều lợi ích thiết thực. Sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các thông tin về thị trường và giảm bớt rủi ro trong sản xuất.

Hiện tại, bình quân mỗi ngày, THT tổ chức thu gom trung bình trên 1000 trái dừa (vào mùa dừa thuận), 700 – 800 trái dừa (vào mùa dừa treo).

Ông Đào Văn Thượng – thành viên THT, cho biết khi chưa vào HTX, người trồng dừa chủ yếu bán dừa trái cho thương lái, giá bao nhiêu thì thương lái quyết định, không ít thời điểm người dân phải chịu cảnh ép giá, thu nhập vô cùng bấp bênh.

“Sau khi vào THT, chúng tôi được công ty ký kết hợp đồng, có giấy tờ hẳn hoi, công ty bao giá tiêu thụ thấp nhất là 50.000 đồng/1 chục (10 quả). Vào lúc cao điểm thì giá vẫn ngang ngửa với giá của thương lái nên bà con rất yên tâm và tham gia ký kết”, ông Thương phấn khởi nói.

Để tiếp tục phát huy thành công đang có, THT Thạnh Trị đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, chú trọng khoa học kỹ thuật, mang lại lợi ích toàn diện về kinh tế, an toàn lao động (ATLĐ) cho thành viên, người dân liên kết.

Tổ trưởng Nguyễn Chí Công khẳng định: “Cùng với phát triển kinh tế, vấn đề ATLĐ luôn được THT đặc biệt chú trọng. Việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cũng đòi hỏi THT phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm…”.

Đơn cử, trong quá trình vận chuyển, sơ chế dừa, người lao động THT phải được trang bị đầy đủ kỹ năng trong vận hành máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển, nắm vững kiến thức về ATLĐ, có đủ khả năng xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Theo Phượng Vỹ/Thời báo Kinh doanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo