Thị trường

Bình Dương: Trồng mít lá bàng, cứ 1 cây cho ra 80-120 trái/năm

Với 1,3 ha mít Thái lá bàng, mỗi năm gia đình anh Bùi Văn Tuân, ngụ ấp Tân Bình, xã An Thái, huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) có doanh thu 400 triệu đồng.

Dễ trồng, năng suất cao

Anh Tuân bắt đầu trồng mít từ năm 2007. Lúc đó, anh quyết định chặt bỏ 1,3 ha điều để chuyển sang trồng mít. Đây là loại cây có tốc độ sinh trưởng nhanh, rễ cọc ăn sâu, rễ phân bổ rộng và dày nên khả năng chịu hạn rất tốt, hơn nữa có chu kỳ sinh trưởng lâu năm.

Bên cạnh đó, chi phí trồng, chăm sóc loại mít này tương đối thấp, khoảng 60 triệu đồng/ha, với 400 cây. Sau 2 năm rưỡi xuống giống, mít cho trái đầu mùa (trái bói), sau 3 năm đã có thể thu hoạch bán cho khách hàng.

Anh Tuân bên vườn mít của gia đình Ảnh: Hoài Phương.

Cũng trồng mít nhưng có một số hộ dân trồng giống khác trên địa bàn đến nay vườn mít đã cằn cỗi, nhiều cây bị chết. Còn với giống mít lá bàng, tỷ lệ cây chết chỉ khoảng 20%. Đây còn là loại cây phát triển nhanh, rất sai trái, cây trưởng thành có 80 - 120 trái/cây. Bình thường mỗi trái mít nặng 6 - 12kg, nếu đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật trái có thể nặng 14 - 15kg, thậm chí có trái nặng 25 - 26kg.

Vườn mít của gia đình anh mỗi năm thu hoạch trung bình 80 tấn. Cứ 10 ngày anh thu hoạch một lần; chu kỳ thu hoạch kéo dài khoảng 1 tháng rưỡi. Để bảo đảm sức chịu đựng cho cây, mỗi năm anh để mít ra trái 2 - 3 vụ.

Theo anh Tuân, cây mít lá bàng có nhiều ưu điểm, như ngoài việc ra trái quanh năm, chịu hạn tốt, loại mít này dễ sống, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh; có thể trồng trên các loại đất. Đặc biệt, vào mùa khô loại mít này đạt năng suất 90 - 98 tấn/ha. Múi của loại mít này có vị ngọt đậm, giòn, thơm nên được thị trường ưa chuộng.

Đầu ra ổn định

Tuy nhiên, dù loại mít này ít sâu bệnh nhưng người trồng cũng không nên chủ quan, vì một số bệnh có thể xuất hiện như bệnh thối quả, bệnh ruồi vàng chích hút, cùng nấm hồng. Bệnh nấm hồng hay ruồi vàng người trồng có thể phòng trị được nhưng bệnh thối nhũn quả rất khó chịu. Bệnh này thường xuất hiện vào mùa mưa, khi độ ẩm trong không khí cao.

Anh Tuân chia sẻ, mít càng ngọt thì càng thu hút nhiều loại sâu hại, côn trùng tìm đến. Cho nên, khi mít có trái người trồng phải theo dõi từng cây xem sâu đẻ trứng chỗ nào rồi dùng thuốc sinh học xịt ngay, không để chúng phát triển. Khi xịt phải trộn thêm hỗn hợp chất bám dính để hạn chế sự di chuyển của sâu bệnh. Riêng vườn của gia đình, anh áp dụng quy trình sạch, sử dụng các chế phẩm sinh học không độc hại để phun xịt nên sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về đầu ra cho mít, anh Tuân rất an tâm vì thương lái ký kết thu mua lâu dài. Họ còn ra tận vườn cây tự thu hoạch trái. Có những thời điểm anh không đủ mít để bán. Hiện giá mít anh bán ổn định ở mức 6.000 - 7.000 đồng/kg, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Ngoài 1,3 ha mít lá bàng, anh Tuân cũng vừa xuống giống thêm 2 ha nữa. Tuy vậy, theo anh, bất cứ sản phẩm nào cũng có giới hạn của nó. Nếu người dân ồ ạt chạy theo nhu cầu trước mắt để trồng mít lá bàng thì sẽ đến lúc trái ế ẩm, như mít Thái, mít nghệ đã từng xảy ra. Điều quan trọng nhất vẫn đầu ra cho sản phẩm, nhất là cung phải hài hòa với cầu.

Ông Trần Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thái, cho biết anh Bùi Văn Tuân là một trong những điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ngoài sản xuất, kinh doanh trên diện tích đất của gia đình, anh còn thu mua mủ cao su tiểu điền trên địa bàn. Anh đã giải quyết việc làm ổn định cho 6 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Theo Hoài Phương/Báo Bình Dương

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo