Bình Phước cần tập trung phát triển kinh tế tư nhân
Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm và làm việc tại Bình Phước - nơi thành lập chi bộ đảng đầu tiên ở Đông Nam bộ - Chi bộ Phú Riềng Đỏ. Truyền thống cách mạng hào hùng đã tạo nền tảng và động lực cho Bình Phước vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế. Dù xuất phát điểm thấp, vốn là một tỉnh nghèo với bộn bề khó khăn sau ngày tái lập năm 1997, nhưng Bình Phước đã không ngừng tiến bước mạnh mẽ, trở thành một trong 8 tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Phước trở thành trung tâm của nhiều cây trồng giá trị kinh tế cao như điều, cao su, hồ tiêu... Kinh tế của tỉnh tiếp tục đà đi lên với tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2018 đạt 6,64% (kế hoạch cả năm là 6,8-7%); trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,15%; khu vực dịch vụ tăng 5,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2017.
7 tháng đầu năm 2018 thu ngân sách Nhà nước thực hiện 4.902,3 tỷ đồng, tăng 69,4% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 94% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 70% so với dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua.
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Bình Phước cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt là chủ trương của tỉnh ứng trước xi măng hỗ trợ cho các huyện, thị xây dựng nông thôn mới đã phát huy hiệu quả, huy động được sức dân cùng tham gia. Đến nay số xã nông thôn mới toàn tỉnh có 27/92 xã đạt tỷ lệ 29,3%, ước thực hiện đến cuối năm 2018 có 36/92 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ 39,2%; có 3 thị xã: Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long đang đề nghị hoàn thành nông thôn mới vào cuối năm 2018.
Dù đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, song cũng thẳng thắn nhìn nhận sự phát triển của Bình Phước chưa xứng với tiềm năng và nội lực của mình. Nhiều bài toán khó về kinh tế - xã hội đang đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Bình Phước vẫn chưa cân đối được ngân sách, còn cần sự hỗ trợ lớn từ Trung ương. Hệ thống y tế, giáo dục, đào tạo nghề... còn ở mức thấp so với mặt bằng chung trong khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng kinh tế dù đã được cải thiện rất nhiều song vẫn thua kém các tỉnh, thành Đông Nam bộ, thu hút đầu tư chưa bứt phá mạnh mẽ. Tỷ lệ nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giảm sâu và chậm hồi phục; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; hạ tầng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Tình hình dịch bệnh sốt rét và sốt xuất huyết tuy chưa phát triển lây lan thành ổ dịch, nhưng có chiều hướng gia tăng; khiếu kiện vượt cấp, đông người về lĩnh vực đất đai tuy có giảm đáng kể nhưng còn diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần dám nghĩ, dám làm, “ý chí tiến công quyết liệt” của lãnh đạo Bình Phước trong nỗ lực đưa địa phương vươn lên thoát nghèo, phát triển toàn diện. Đặc biệt, tỉnh ngày càng quan tâm đến tìm kiếm thị trường - yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt cho mở rộng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng.
Thủ tướng cho rằng, lối ra của Bình Phước là đúng hướng và có như vậy mới có thể thu hút những “đàn sếu lớn”, những nhà đầu tư tiềm năng đến với Bình Phước.
Đánh giá cao thành tích toàn diện, nhiều mặt của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước, phân tích sâu thêm về những tồn tại cần khắc phục của địa phương, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần ra sức khắc phục trong thời gian tới.
Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh còn rất thấp. Năm 2017 PCI của Bình Phước đứng 62/63 tỉnh, thành phố. Cho rằng, hạn chế này làm giảm môi trường cạnh tranh, sức thu hút của địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bình Phước cần hết sức nỗ lực cải thiện chỉ số này để cải thiện môi trường kinh doanh.
Cũng theo Thủ tướng, Bình Phước còn một tồn tại lớn, cần khắc phục là tỷ lệ hộ nghèo còn cao; trong đó, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp cũng chưa thực sự được chú trọng, làm giảm thế mạnh truyền thống. Nhận xét, Bình Phước cũng còn nhiều tồn tại trong những vấn đề xã hội. Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung trấn áp, ngăn chặn các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bình Phước phải thường xuyên chú ý đến nhiệm vụ xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thương mại, hợp tác kinh tế; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của tội phạm khu vực biên giới. Thủ tướng cũng đề nghị Bình Phước chú trọng hơn nữa đến việc đảm bảo môi trường sống của người dân, nhất là trong các hoạt động chăn nuôi, xử lý nước thải.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương trên cơ sở xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cần tích cực phối hợp, tháo gỡ khó khăn, tồn tại, hỗ trợ Bình Phước trong phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cũng mong muốn Bình Phước tập trung hơn nữa trong phát triển kinh tế tư nhân, phát triển mạnh các loại hình HTX, thu hút nhiều hơn nữa hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tín dụng đen. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu Bình Phước cần đặc biệt coi trọng nhiệm vụ gìn giữ, phát triển, tái tạo rừng để phục vụ các mục tiêu lâu dài và bảo vệ môi trường của địa phương.
Nhân dịp công tác tại Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, tặng quà một số gia đình chính sách trên địa bàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Doanh thu ngành thực phẩm và đồ uống tăng tốc
Mười tháng, xuất siêu 23,31 tỷ USD
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh