Bình Phước: Vườn trồng '5 trong 1'-mỗi năm lãi 800 triệu
Ấp Thanh An, xã Thanh Lương là vùng cây ăn trái của thị xã Bình Long. Tuy nhiên, những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường nên năng suất cây trồng giảm, cộng với giá không ổn định làm cho thu nhập của nhà vườn bấp bênh. Do vậy, không ít nhà nông ở ấp Thanh An đã trồng xen nhiều loại cây trên cùng một diện tích cho thu lợi cao.
Ông Trần Tuấn Dũng, ấp Thanh An là một trong những nông dân tiên phong trồng xen canh. Với kinh nghiệm nhiều năm trồng cây ăn trái có múi, ông Dũng đã mua 4 ha đất, đồng thời đi học tập thực tế ở các tỉnh miền Tây và học hỏi qua sách báo, tivi. Sau đó, ông trồng hơn 4.000 cây ăn trái gồm cam, quýt, bưởi. Tuy nhiên, những loại cây này phải hơn 2 năm mới cho thu hoạch. Để lấy ngắn nuôi dài ông trồng xen canh trong vườn hơn 4.000 cây đu đủ ruột đỏ và 4.000 cây ổi Đài Loan.
Ông Dũng tính toán, hiện nay giá đu đủ tại vườn 5.000 đồng/kg, mỗi cây thu hơn 50kg trái/năm, trừ chi phí lời khoảng 100 ngàn đồng, nếu trồng 1.000 cây lời 100 triệu đồng. Số tiền này, gia đình ông dùng để thuê người làm và mua phân bón cho cây. Còn với cây ổi Đài Loan siêu trái, 1 năm cho thu khoảng 30kg trái/cây, giá bán từ 8.000-10.000 đồng/kg, trừ chi phí thu lợi 100 ngàn đồng/cây. Như vậy, với 4.000 cây đu đủ và 4.000 cây ổi trồng xen, hằng năm trừ chi phí gia đình ông thu lời khoảng 800 triệu đồng.
Ngoài mang lại giá trị kinh tế, cây đu đủ rất ít bệnh, không kén đất, không cần bón phân do cây được bổ sung dinh dưỡng từ phân bón cho các loại cây ăn trái khác trong vườn. Đu đủ có tán che mát nên giữ được độ ẩm cho vườn cây, đồng thời chịu hạn tốt nên không cần tưới nhiều, rất thích hợp đối với những vùng thiếu nước như ấp Thanh An.
Còn cây ổi Đài Loan chỉ 6 tháng là cho trái. Đặc biệt ổi luôn thu hút các loại côn trùng gây hại loại cây có múi nên vườn cây của ông không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, còn trái ổi đã được bọc nên cũng không bị ảnh hưởng, phù hợp quy trình trồng trái cây sạch. Giống ổi Đài Loan giòn và thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng nên mang lại giá trị kinh tế cao.
Từ 2 ha vườn của gia đình, bà Phạm Thị Thủy Tiên, ngụ tổ 7, ấp Thanh An cũng trồng xen 200 cây nhãn da bò, 200 cây bưởi da xanh, 100 cây cam và 200 cây quýt đường. Bà Tiên cho biết, trồng xen tiết kiệm được đất, các loại cây lại hỗ trợ nhau rất nhiều, ví như cây nhãn che mát cho bưởi và quýt nên không lo bưởi, quýt bị rám nắng.
Đồng thời trồng xen sẽ giữ độ ẩm cho vườn cây, tiết kiệm nước tưới lại không ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây. Những năm trước, trong vườn nhà bà chỉ trồng nhãn một năm hai vụ, cho thu từ 400-600 triệu đồng; còn bưởi, cam, quýt cho thu quanh năm. Từ khi trồng xen đến nay, mỗi năm gia đình bà ngoài thu khoảng 300 triệu đồng từ nhãn, còn thu thêm khoảng 240 triệu đồng từ bưởi, 100 triệu đồng tiền quýt và 100 triệu đồng từ hơn 100 cây cam. Điều quan trọng để trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao là khoảng cách trồng phải phù hợp và chọn các loại cây trồng có thể hỗ trợ nhau.
Cách trồng xen của các hộ dân ở ấp Thanh An, xã Thanh Lương bước đầu cho lợi nhuận cao. Từ nguồn thu này các hộ có chi phí chăm sóc vườn cây ăn trái để tăng năng suất, chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn ấp Thanh An có hơn 900 ha cây ăn trái, trong đó chủ yếu là nhãn và các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi. Với vai trò là trưởng ấp, cộng với kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm, ông Trần Tuấn Dũng mong muốn thời gian tới sẽ tạo ra những vườn cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAPđể nhân rộng cho người dân trong khu vực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024