Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng / Giá ngoại tệ ngày 24/12/2024: Đồng USD và NDT tiếp tục xu hướng giảm
Nhiều ý kiến cho rằng, dù chỉ là bớt 2% thuế VAT khi mua và bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ nhưng có thể giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng từ đó thúc đẩy sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế. Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế cũng đồng nghĩa với việc giảm chi phí đầu vào, giúp cải thiện lợi nhuận và khả năng cạnh tranh. Người dân còn cảm thấy vui mừng vì giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ giảm xuống, kéo theo việc nâng cao mức sống, đời sống sinh hoạt hàng ngày và doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội mở rộng sản xuất và kinh doanh hơn khi có sự hỗ trợ từ chính sách thuế từ Nhà nước.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến lo ngại về việc giảm thuế có thể ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước và các dịch vụ công. Do đó, việc cân nhắc hợp lý giữa việc hỗ trợ kinh tế và duy trì nguồn lực cho ngân sách là rất quan trọng.
Bà Hồ Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Hoàng Hà cho biết: Việc giảm thuế VAT 2% không chỉ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng mà còn khuyến khích tiêu dùng nội địa. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, khi mà việc kích thích tiêu dùng là cần thiết để phục hồi tăng trưởng. Giảm thuế VAT sẽ giúp giảm áp lực chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Khi mà Công ty Hoàng Hà có thể cần phải đầu tư nhiều hơn vào hoạt động sản xuất hoặc cải thiện dịch vụ khách hàng.
Kết quả là, không chỉ doanh nghiệp mà cả nền kinh tế đều có cơ hội phát triển. Doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ chính sách giảm thuế VAT của Nhà nước. Đây là một quyết định táo bạo và hợp lý trong bối cảnh hiện tại, giúp nâng cao sức mua của người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chính sách này sẽ không chỉ mang lại lợi ích trước mắt mà còn giúp tạo ra một môi trường kinh doanh tích cực hơn trong tương lai; giúp khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bà Hồ Thị Nguyệt cũng đề xuất cần tiếp tục theo dõi và đánh giá hiệu quả của chính sách này, đồng thời có những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo sự phát triển lâu dài cho cả doanh nghiệp và người dân.
Qua triển khai chính sách trong hơn 1 tháng qua, tổng hợp ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, việc giảm thuế VAT 2% như hiện tại không chỉ là một biện pháp hỗ trợ ngắn hạn mà còn có ý nghĩa chiến lược trong việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như lạm phát gia tăng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, việc giảm thuế VAT sẽ giúp giữ chân người tiêu dùng, khôi phục niềm tin và kích thích chi tiêu.
Việc giảm thuế VAT sẽ dẫn đến việc giảm giá hàng hóa và dịch vụ, từ đó làm tăng sức mua của người dân. Khi sức tiêu dùng tăng lên sẽ kích thích sản xuất trong nước, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn và gắn kết mật thiết với đà phục hồi của nền kinh tế. Một số báo cáo từ các viện nghiên cứu còn cho thấy, việc giảm thuế có thể tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực, làm gia tăng hoạt động của các ngành dịch vụ và sản xuất, từ đó thúc đẩy GDP tăng trưởng ổn định hơn.
Hơn nữa, trong dài hạn, cần xem xét đến khả năng tăng trưởng bền vững. Chính sách giảm thuế VAT phải được triển khai song song với các biện pháp gia tăng năng suất lao động, đầu tư vào hạ tầng cơ sở và cải cách hành chính. Khi các yếu tố này được đồng bộ, đất nước mới có thể đạt được sự phát triển kinh tế bền vững và toàn diện, tạo ra một nền tảng vững chắc cho tương lai.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa dồi dào do nguồn thu ngân sách Nhà nước được cải thiện đáng kể trong năm 2024, nên duy trì chính sách hỗ trợ tài khóa trong giai đoạn sắp tới để tiếp tục củng cố nội lực cho doanh nghiệp, tạo bước đệm tăng trưởng bền vững bằng việc giảm thuế phí để hỗ trợ tiêu dùng nội địa, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Năm 2025, dự báo tình hình biến động của thế giới chưa thể ổn định và vẫn ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội trong nước, Quốc hội, Chính phủ dự kiến sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt các biện pháp thu ngân sách Nhà nước năm 2024, phấn đấu vượt ít nhất thêm 15% dự toán Quốc hội giao; sớm tổng kết, đánh giá và tham mưu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất trong năm 2025 để có thể triển khai ngay từ đầu năm.
Đây là có cơ sở để tin tưởng rằng, việc giảm thuế VAT sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng sau những khó khăn từ rất nhiều yếu tố bất ổn hiện hữu. Khi người tiêu dùng có thêm tiền trong tay nhờ việc giảm thuế, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ, từ đó thúc đẩy doanh thu cho doanh nghiệp. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái đầu tư, tạo công ăn việc làm và ổn định xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo