Cà phê Việt chờ tin tốt để hồi phục
Thị trường cà phê vừa chứng kiến một đợt tăng giá rất ngoạn mục. Đóng cửa phiên cuối tuần trước, sàn kỳ hạn London - nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng để tham chiếu, đóng cửa chốt mức cao nhất tính từ một tháng nay là 1.322 USD/tấn so với tuần trước đó chỉ 1.250 USD/tấn.
Giá kỳ hạn sàn arabica cũng có dịp tăng mạnh nhất trong vòng 1,5 tháng đạt 104 xu/cân Anh (cts/ lb), tăng 4,55 cts/lb hay chừng 100 USD/ tấn. Tuy nhiên, dù giá kỳ hạn tăng giúp giá cà phê trong nước lên quanh mức 33 triệu đồng/tấn, nhưng sức bán xuất khẩu (XK) vẫn rời rạc.
Vị thế đang bị lung lay
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), XK cà phê tháng 10/2019 ước đạt 87.000 tấn với giá trị 158 triệu USD. Lũy kế 10 tháng năm 2019, XK cà phê đạt 1,35 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 14,6% về khối lượng và 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện, Đức và Mỹ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng qua với thị phần lần lượt là 13,3% và 8,6%. Giá XK cà phê bình quân giảm mạnh tiếp tục là yếu tố dẫn đến suy giảm XK cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống như Đức, Mỹ, Ý và Tây Ban Nha.
Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, cà phê robusta từ Brazil được nhập khẩu ồ ạt vào châu Âu. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội các nhà XK cà phê Brazil (Cecafé), tổng XK cà phê 9 tháng đầu năm 2019 của nước này tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt hiệu suất XK tốt nhất trong vòng 5 năm qua.
Không chỉ có Brazil, Indonesia cũng đang lao vào cuộc đua và có thể tăng sản lượng cà phê robusta lên hơn 1,5 lần trong vòng 5 năm tới. Indonesia đang dần có thêm sức nặng trên thị trường cà phê robusta thế giới nhờ một chương trình khuyến nông quy mô lớn.
Hiện, Indonesia đang là nhà sản xuất cà phê robusta lớn thứ ba thế giới, có tăng trưởng tiêu thụ nội địa hàng năm rất ấn tượng ở mức 2 con số, với diện tích trồng cà phê hiện tại khoảng 1,2 triệu héc ta và sản lượng năm nay khoảng 700.000 tấn (hơn 11 triệu bao), trong đó cà phê robusta chiếm 72%.
Hiệp hội các nhà Công nghiệp và XK cà phê Indonesia (AIKEI) cho biết sẽ gia tăng sản lượng cà phê thêm 50 - 60% trong vòng 5 năm tới để đón đầu sức tiêu thụ gia tăng của các thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc với dân số “khổng lồ”.
Tâm thế chờ đợi
Những động thái này khiến ngôi vị số 1 của Việt Nam trong XK cà phê đang bị đe dọa. Theo nhận định của Ngân hàng Rabobank, sản lượng cà phê Robusta của Brazil sẽ tăng mạnh trong vài năm tới. Nhiều khả năng Brazil sẽ thay thế Việt Nam trở thành nước sản xuất và XK cà phê Robusta lớn nhất toàn cầu.
Các chuyên gia lý giải nguyên nhân của việc sản lượng cà phê Việt Nam XK giảm trong nhiều tháng qua là hệ quả của việc giảm diện tích và thiếu chăm sóc vườn, nhưng cũng có ý kiến giữ quan điểm của lối cũ cho rằng nhà vườn giữ “hàng” do giá thấp.
Thực tế, trong tháng 10/2019, giá cà phê thế giới biến động giảm mạnh. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 thị trường London giảm 108 USD/ tấn xuống còn 1.212 USD/tấn. Giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê tồn cầu hiện đã dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại vì căng thẳng thương mại lan rộng.
Cùng với đó, thị trường cà phê trong nước biến động giảm mạnh cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 9/2019, giá cà phê robusta nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.900 -2.300 đồng/ kg; giá cà phê robusta FOB cảng Sài Gòn giảm 104 USD/tấn xuống còn 1.366 USD/tấn.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 11, thị trường cà phê đã chứng kiến một đợt tăng giá mạnh trên cả hai sàn kỳ hạn London và New York. Động lực hỗ trợ giá cà phê vừa qua có thể đến từ nguồn cung ứng vốn dồi dào trên thị trường tài chính.
Theo đó, từ cuối tháng 9/2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã mạnh tay bơm vốn, cung ứng các khoản vay ngắn hạn cho thị trường nước này. Không chỉ rộng rãi cho vay, FED còn hạ lãi suất cơ bản đồng USD lần thứ ba trong năm 2019. Vay vốn dễ dàng, lãi suất thấp, đó là lý do giúp giá hàng hóa thương phẩm có cơ hội tăng.
Cuối tuần qua, một chuyên gia tài chính của Ngân hàng Citi (Mỹ) cho rằng chỉ số đồng USD (USDX) có thể giảm sâu đến 85 điểm, là một yếu tố có ảnh hưởng tích cực lên giá nông sản thương phẩm trong ngắn hạn.
Nếu như dự báo này là đúng, thị trường nông sản nói chung và giá cà phê kỳ hạn nói riêng sẽ có cơ hội phục hồi. Trong khi đó, thời tiết vùng cà phê Tây Nguyên của Việt Nam đã giảm mưa, nhà nông đang chuẩn bị mọi điều kiện để bước vào mùa thu hoạch mới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024