Cần đánh giá tác động của Luật Hỗ trợ DNNVV sau 2 năm thực hiện
DVVN - Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, nên chăng cần có sự nhìn nhận lại và đánh giá tác động của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sau 2 năm thực hiện bởi thực tế số lượng DN giải thể, phá sản ở mức cao...
Giảm mạnh các loại lệ phí khi đăng ký doanh nghiệp / Lạm phát năm 2019: Khó kiểm soát hơn và có thể lên tới 5%
Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Tham gia thảo luận về nội dung liên quan đến việc đồng hành cùng cộng đồng DNNVV, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ băn khoăn Luật hỗ trợ DNNVV được thông qua năm 2017 với rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất, ưu đãi thuế nhưng tại sao lại có rất nhiều DN giải thể, phá sản như vậy? Nguyên nhân hay vướng mắc ở đâu?
Đại biểu Hà Tĩnh trích dẫn “số doanh nghiệp (DN) thành lập mới tăng 131,3 nghìn DN, nhưng có tới 107 nghìn DN (bằng 81,4% DN thành lập mới) chấm dứt hoạt động kinh doanh, giải thể, tạm ngừng kinh doanh”.
Với thực trạng này, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng nên chăng cần có sự nhìn nhận lại và đánh giá tác động của chính sách sau 2 năm thực hiện. Trong đó, cần đánh giá được các chính sách hỗ trợ cho DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và nhóm các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị?
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) phát biểu. (Ảnh: VPQH)
Thực tế hiện nay cho thấy, rất nhiều DN vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ theo những quy định mà Chính phủ ban hành. Điều này là do vấn đề cung cấp thông tin, sự tuyên truyền, hướng dẫn và sự đồng hành của chính quyền các địa phương; tâm lý chưa sẵn sàng chuyển đổi thành DN của các hộ kinh doanh do lo ngại các thủ tục về thuế và sự phức tạp do tuân thủ quy định pháp luật khi trở thành DN. Ngoài ra, việc triển khai thực hiện cụ thể tại các địa phương cũng còn những bất cập như các chính sách hỗ trợ về lãi suất, hỗ trợ đất đai,… cũng chưa được triển khai một cách triệt để, đồng đều, gây khó khăn cho DN.
Theo đại biểu đoàn Hà Tĩnh, để thực hiện mục tiêu của chính sách là hỗ trợ DN kịp thời từ lúc tham gia đến lúc rút khỏi thị trường cần có sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương để luật đi vào cuộc sống và thể hiện được hiệu quả, hiệu lực. Đồng thời, các ngành, địa phương cần có sự quan tâm hơn trong việc tạo điều kiện cho các DN được hưởng đúng và đủ các chính sách pháp luật ban hành và đặc biệt là phải cùng đồng hành với các DN để đạt được mục tiêu đề ra.
Cùng chung mối trăn trở về tình trạng lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản tại Việt Nam ở mức cao, Đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho rằng để doanh nghiệp tư nhân không bị "chết yểu", cần phải nuôi dưỡng, nâng đỡ, hỗ trợ nhóm DN này thiết thực hơn.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính hay cắt bỏ điều kiện kinh doanh được đưa ra nhưng con số doanh nghiệp đóng cửa thực tế lại cho thấy sản xuất, kinh doanh gặp nhiều thách thức. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, xác định đúng nội dung doanh nghiệp cần, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh một cách cơ học.
Theo ông Hùng, nếu không cải cách thực chất thì khó đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Trên một góc độ khác, Đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) đề cập đến việc một số doanh nghiệp FDI “quay vòng” ưu đãi đầu tư, chuyển giá trốn thuế.
Theo đại biểu Quốc hội Đôn Tuấn Phong, FDI tăng đáng kể trong năm 2018, có xu hướng tăng mạnh 4 tháng đầu năm 2019 (tăng 81%). Trong đó, đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng đột biến (tăng 241% so với cùng kỳ năm 2018). Khối các doanh nghiệp FDI nói chung chiếm 70% giá trị xuất khẩu, nhưng có tới trên 50% báo lỗ trong khi vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp FDI “quay vòng” ưu đãi đầu tư, nghĩa là sản xuất kinh doanh và khai thác hết ưu đãi ở địa phương này thì lại chuyển sang địa phương khác đầu tư (do các địa phương có chính sách ưu đãi đầu tư). Tình trạng chuyển giá, trốn thuế … dường như khá phổ biến trong khối này.
Qua đó, ông Đôn Tuấn Phong đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, có các chính sách, cơ chế và biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo ưu đãi đầu tư phù hợp và không tạo cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương, lựa chọn các nhà đầu tư FDI có năng lực, sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; có biện pháp đấu tranh hiệu quả nhằm hạn chế trốn thuế, chuyển giá, “quay vòng” ưu đãi đầu tư.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Cột tin quảng cáo