Cần giải pháp hạn chế nhập siêu lâu dài
DNVN - Con số nhập siêu 1,47 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021 được cho là do gia tăng nhu cầu nguyên liệu sản xuất, phục vụ đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hạn chế thì việc nhập siêu lâu dài sẽ gây ra những tác động không tốt trong nền kinh tế.
Xuất khẩu điện thoại và máy vi tính cùng cán mốc 20 tỷ USD / Tìm đường đưa quả bưởi, vải, chôm chôm vào Hàn Quốc
Làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 với những diễn biến phức tạp đã có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh thương mại của nước ta. Nhiều tỉnh, thành có quy mô công nghiệp lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang có số ca bệnh tăng cao, nhiều khu công nghiệp phải đóng cửa, nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tính chung trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì ở mức tăng trưởng khá cao 36,1%, đạt 159,1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu từ các thị trường chủ yếu đều tăng cao so với cùng kỳ năm 2020: Trung Quốc tăng 53%; Hàn Quốc tăng 21,1%; ASEAN tăng 47,7%; EU tăng 16,3%.
Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 nhập siêu 1,47 tỷ USD.
Giá trị nhập khẩu nhiều mặt hàng tăng cao với cùng kỳ năm 2020, trong đó ô tô tăng 78,4%; kim loại thường tăng 61,2%; chất dẻo tăng 54,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 48,7%; sắt thép tăng 40,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 37,3%; sản phẩm hóa chất tăng 34,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 34,2%; vải tăng 32,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 22%.
Theo ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), một trong những nguyên nhân khiến giá trị nhập khẩu của các mặt hàng tăng mạnh là do chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,24% so với cùng kỳ năm trước (quý II/2021 tăng 3,28%). Trong đó, giá nhập khẩu của một số mặt hàng quan trọng phục vụ gia công sản xuất tăng: kim loại thường khác tăng 12,8%; sắt thép tăng 7,65%; vải tăng 1,65%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 1,62%; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 0,56%.
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng cao hơn kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, nhập khẩu tăng 36,1% và xuất khẩu tăng 28,4% đã đưa cán cân thương mại 6 tháng đầu năm nhập siêu 1,47 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2020 đạt xuất siêu 5,86 tỷ USD.
Tuy nhiên, xét theo cơ cấu hàng nhập khẩu thì tỷ trọng tư liệu sản xuất chiếm đến 93,9% tổng kim ngạch, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu tư liệu sản xuất đạt 149,32 tỷ USD, tăng 36,7%; trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 71,97 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 45,2% (giảm 1 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2% và chiếm 48,6% (tăng 1,4 điểm phần trăm).
Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28% và chiếm 6,1% (giảm 0,4 điểm phần trăm). Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất có tốc độ tăng cao, đặc biệt nhóm hàng phục vụ cho sản xuất là nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu tăng tới 40,2% cho thấy dấu hiệu phục hồi sản xuất có tiến triển tốt và khả quan.
"Tuy nhiên, nếu không có giải pháp hạn chế nhập siêu thì việc nhập siêu lâu dài và nhất là nhập siêu hàng tiêu dùng sẽ phần nào gây ra những tác động không tốt trong nền kinh tế. Việc nhập khẩu hàng tiêu dùng nhiều, đặc biệt là hàng tiêu dùng xa xỉ phẩm, sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng nội địa, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất trong nước", ông Phạm Đình Thúy nhận định.
Theo đánh giá của ông Phạm Đình Thúy, dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn. Theo đó, cần tập trung một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu như tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước; sử dụng chính sách thuế phù hợp theo hướng có lợi cho nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu thành phẩm; thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu...
Về dài hạn, ông Thúy cho biết cần có những chính sách mới để lôi kéo DN tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh tế; hỗ trợ DN tiếp cận các kênh thông tin sản xuất và XNK, nhằm tìm kiếm thị trường; hỗ trợ DN hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo