Cần xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ hàng Việt
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách xây dựng hệ thống đối phó với các hàng rào thương mại của nước ngoài một cách phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Xuất khẩu chênh vênh nếu thiếu hàng rào bảo vệ
Xu hướng toàn cầu hóa nền kinh tế thông qua các hiệp định thương mại với các cam kết về giảm thuế là cơ hội phát triển kinh tế, tăng trưởng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến cho số lượng hàng rào kỹ thuật trên thế giới ngày càng gia tăng. Các quốc gia đều tăng cường sử dụng công cụ hữu hiệu này để bảo vệ thị trường và nền sản xuất trong nước.
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, đến nay nước ta đã có quan hệ thương mại với 55 đối tác thương mại thông qua việc ký kết 13 và đang đàm phán 3 FTA khác. Hiện nay, xuất khẩu của DN Việt sang thị trường có FTA đều được hưởng nhiều ưu đãi, lợi ích. Song, thực tế cho thấy, hàng hóa xuất khẩu vẫn gặp rất nhiều rủi ro. Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lý do cơ bản là do thời gian qua, Việt Nam chưa hình thành được một hệ thống đối phó với hàng rào kỹ thuật hoạt động có hiệu quả nên hàng hóa tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu chưa được bảo vệ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, tính đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, Mỹ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất với 30 vụ, chiếm 19%; thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ, chiếm 14%; thứ ba là Ấn Độ với 20 vụ, chiếm 13% và thứ tư là EU với 14 vụ, chiếm 9%. Trong đó, các vụ việc điều tra chống bán phá giá có tỷ lệ cao nhất với 87 vụ việc, chiếm 56%; tiếp đó là các vụ việc tự vệ với 33 vụ, chiếm 21%; thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với 19 vụ việc, chiếm 13% và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp với 15 vụ việc, chiếm 10 %.
Trong đó có một số vụ việc hàng hóa Việt Nam bị phán xét, áp thuế bất hợp lý, gặp nhiều vướng mắc và dù đã thực hiện nhiều giải pháp trong đối ngoại nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả, như mặt hàng thủy hải sản trong Chương trình thanh tra cá da trơn theo đạo Luật Farm Bill, lệnh cảnh báo “thẻ vàng” của EU; mặt hàng điều nhân và hồ tiêu bị Ấn Độ tăng mức giá nhập khẩu tối thiểu MIP, tăng mức thuế suất thuế nhập khẩu cơ sở BCD; mặt hàng gạo bị Philippines áp dụng thuế tự vệ...
“Đáng lưu ý là trên thế giới, chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Bên cạnh các biện pháp phòng vệ thương mại, nhiều quốc gia tăng cường bảo hộ sản xuất trong nước bằng các quy định vô cùng khắt khe cũng như các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ với phóng viên TBTCVN.
Về vấn đề này, bà Lưu Thị Thảo - Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam đánh giá, nếu không có hệ thống hàng rào bảo vệ hàng hóa xuất khẩu, thậm chí cả hàng tiêu thụ nội địa thì nền sản xuất, xuất khẩu sẽ chênh vênh, thiếu bền vững.
Cần hệ thống hàng rào vững chắc
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, thời gian qua, Bộ Công thương đã và đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để chủ động nắm bắt tình hình, áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp ứng phó; kịp thời thực hiện các giải pháp cụ thể, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.
Bộ Công thương đã trình Chính phủ Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong việc chủ động sử dụng và ứng phó hiệu quả để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Đồng thời tích cực nghiên cứu, đấu tranh đối với các rào cản kỹ thuật, thương mại bất hợp lý. Đơn cử như Việt Nam đã kiện Mỹ tại WTO trong vụ áp thuế chống bán phá giá bất hợp lý đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam và đã giành thắng lợi.
Ông Hải chia sẻ thêm, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tăng cường sử dụng các kênh đối thoại song phương, đa phương để xử lý vụ việc bất hợp lý đối với hàng hóa xuất khẩu của ta. Ngoài ra sẽ xem xét, khai thác tốt nhất cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, các FTA song phương và đa phương để xử lý tranh chấp với đối tác. Bên cạnh đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp có tính chất hạn chế nhập khẩu, các quy định kỹ thuật… cho các doanh nghiệp.
“Không chỉ vậy, ngành Công thương sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các biện pháp kỹ thuật để quản lý chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ và phát hiện kịp thời hiện tượng gia tăng nhập khẩu đột biến nông sản, thực phẩm để nghiên cứu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật… nhằm bảo vệ chính đáng sản xuất trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - ông Hải nói.
Chia sẻ về câu chuyện này, bà Lưu Thị Thảo cũng cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một cơ chế, hệ thống đối phó với các hàng rào thương mại của nước ngoài một cách phù hợp và hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hệ thống này cũng cần chú trọng công tác dự báo và phát hiện kịp thời các quy định kỹ thuật của các nước cản trở thương mại của Việt Nam.
“Theo một số cam kết quốc tế, doanh nghiệp hoàn toàn được phép tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo quy chuẩn kỹ thuật. Do đó, chúng ta cần tận dụng hiệu quả quyền lợi này để tham gia đóng góp ý kiến trong trường hợp những biện pháp trong tương lai có thể sẽ cản trở hoạt động xuất nhập khẩu của mình. Điều đó có nghĩa là các rào cản kỹ thuật có thể được tháo gỡ ngay từ khi chưa hình thành và chưa gây ra những ảnh hưởng tới doanh nghiệp”, bà Thảo nhấn mạnh.
Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là các biện pháp áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu như: quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; các thủ tục kiểm dịch, vệ sinh, khử trùng, bảo quản, vận chuyển; yêu cầu về hệ thống chất lượng, hệ thống môi trường; yêu cầu công nghệ thiết bị sản xuất, chế biến sản phẩm; yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, tính hợp pháp của khu vực khai thác; yêu cầu về trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, tiết kiệm/bảo tồn năng lượng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo