Chế biến nông sản 'hụt hơi'?
Là nước sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản khá mạnh, nhưng khâu chế biến và bảo quản nhiều loại nông sản ở nước ta chỉ đạt mức trung bình của thế giới, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Cỏ kế đồng có thể gây thiệt hại hàng trăm triệu USD / Doanh nghiệp gạo được tháo “gông” nhưng xuất khẩu vẫn giảm hai con số
Người dân trồng xoài xuất khẩu ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang Ảnh: Cảnh Kỳ
Giá trị gia tăng thấp
Hơn 30 năm qua, ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã có bước phát triển khá. Cả nước đã hình thành và phát triển được một hệ thống công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản có công suất thiết kế lên đến 100 triệu tấn nguyên liệu/năm. Có trên 7.500 doanh nghiệp (DN) quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, trong đó có hơn 2.600 cơ sở chế biến nông sản, hơn 760 cơ sở chế biến thủy sản... Ngoài ra, còn hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.
Tuy nhiên, theo Bộ NN&PTNT, trình độ công nghệ chế biến nông sản của nước ta chưa cao, tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao còn thấp, chủng loại chưa phong phú. Hệ số đổi mới thiết bị những năm qua chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2-1/3 mức tối thiểu của nhiều nước khác). Trình độ công nghệ chế biến một số mặt hàng nông sản 80% ở mức trung bình trở xuống. Các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80% sản lượng).
Ông Nguyễn Quốc Toản - Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết nhìn chung công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam chỉ đạt mức trung bình của thế giới, dù vẫn có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại. Cụ thể, với ngành rau quả, sản lượng sản xuất cả nước đạt trên 25 triệu tấn/năm, nhưng hiện chỉ có 150 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp tập trung, với tổng công suất thiết kế chỉ 1 triệu tấn/năm. Còn với thủy sản, năm 2017 cả nước sản xuất 7 triệu tấn nhưng sản lượng được đưa vào chế biến chỉ 4,5 triệu tấn. Về lúa gạo, cả nước hiện có 580 cơ sở xay xát quy mô công nghiệp với công suất 10 triệu tấn/năm và có tổng công suất kho chứa bảo quản lúa gạo đạt 7 triệu tấn.
Cơ sở chế biến nông sản phần lớn quy mô nhỏ và vừa (chiếm 90%), trình độ công nghệ thấp, xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao. Theo ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), năng lực sấy lúa và bảo quản lúa sau thu hoạch nhiều nơi còn hạn chế do thiếu nhà máy sấy và kho dự trữ lúa. Phần lớn kho của DN hiện nay là kho chứa gạo, trong khi dự trữ lúa mới để được lâu, còn lúa xay ra gạo sau 3 tháng thường bị xuống màu, giảm chất lượng.
Cần cơ chế thu hút đầu tư
Với nhiều ngành hàng, công nghiệp chế biến chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí đang là “nút thắt” trong chuỗi giá trị, một số ngành hàng khâu chế biến chỉ mới sử dụng 5-10% sản lượng sản xuất ra. Phần lớn DN còn thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay lãi suất thấp, trong khi để chế biến ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao cần vốn đầu tư lớn và công nghệ phức tạp.
Theo nhiều địa phương và DN, nhà nước cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư phát triển chế biến, bảo quản nông sản và liên kết với nông dân để xây dựng các vùng sản xuất nguyên liệu ổn định. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại và mở rộng thị trường quốc tế.
Theo ông Phạm Thái Bình, để nâng cao giá trị ngành lúa gạo, nhà nước cần có thêm các cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn để khuyến khích DN tăng cường liên kết với nông dân trong xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, gắn với đầu tư xây dựng các hệ thống sấy lúa, chứa lúa và các dây chuyền chế biến hiện đại. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, năng lực dự trữ, bảo quản sản phẩm để chủ động bán ra thị trường vào thời điểm có lợi về giá.
Theo tienphong.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo