Chính sách

6 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách thương mại của EU sau đại dịch doanh nghiệp cần biết

DNVN - Những đặc thù trong chính sách thương mại sau đại dịch COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) thể hiện trong 3 định hướng, 3 mục tiêu cốt lõi và 6 lĩnh vực ưu tiên trung hạn.

Năm lưu ý dành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang EU / Những khuyến nghị quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang EU

Nguồn tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, chính sách thương mại sau đại dịch COVID-19 của EU nằm trong chiến lược chính sách giai đoạn 2021-2030 với 3 định hướng, 3 mục tiêu cốt lõi và 6 lĩnh vực ưu tiên với 16 hoạt động trọng tâm.
Đó là chính sách được các nước thành viên EU xây dựng theo hướng “cởi mở, bền vững và quyết đoán” trong bảo vệ lợi ích của Khối liên minh trên tinh thần “Tự chủ chiến lược mở - Open Strategic Autonomy”.
Thúc đẩy cách tiếp cận mới để giảm thiểu căng thẳng
Đặc thù pháp lý của EU gắn với thực tế EU là một liên minh hải quan và có thẩm quyền theo chính sách thương mại chung, nghĩa là EU có thể là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với vai trò là một thực thể và EU có thể ký kết các hiệp định thương mại tự do với các bên thứ ba.
EU có năng lực xây dựng chính sách thương mại ảnh hưởng mạnh tới quan hệ thương mại quốc tế ở cả cấp độ

Với năng lực này, EU có năng lực xây dựng chính sách thương mại ảnh hưởng mạnh tới quan hệ thương mại quốc tế ở cả cấp độ song phương, khu vực và đa phương.
Bên cạnh đó, những hành động đơn phương và quy định nội khối của EU cũng đề ra điều kiện cho việc tiếp cận thị trường trong lãnh thổ hải quan của khối và với ưu thế trong thị trường toàn cầu như vậy, sẽ gây ảnh hưởng lớn tới thương mại.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Bộ Công Thương, 3 định hướng chiến lược trong chính sách thương mại sau đại dịch COVID-19 của EU bao gồm:
Thứ nhất, EU sẽ thực hiện chính sách thương mại chung tạo trụ cột chính trong quan hệ của EU với các nước khác trên thế giới. Chỉ EU, mà không phải bất cứ quốc gia thành viên đơn lẻ nào, có thể ban hành luật về những vấn đề thương mại và ký kết các hiệp định thương mại quốc tế.
Cơ sở của chính sách này là liên minh hải quan với một biểu thuế chung và chính sách thương mại chung phải được thực thi theo những nguyên tắc và mục tiêu đối ngoại.
Thứ hai, chính sách thương mại của EU sẽ tăng cường khả năng phục hồi, chống chịu và tính bền vững của các chuỗi giá trị; hướng tới quyền tự chủ chiến lược mở.
Thứ ba, chính sách thương mại sẽ phục vụ các lợi ích địa chính trị. EU sẽ phải hoạt động trong một trật tự toàn cầu đa cực mới với những căng thẳng ngày càng tăng giữa các chủ thể tham gia chính. Do vậy, EU cần thúc đẩy cách tiếp cận mới để giảm thiểu căng thẳng và tìm kiếm các giải pháp dựa trên khuôn khổ các quy tắc, cam kết chung.
Bên cạnh 3 định hướng trên, chính sách thương mại sau đại dịch COVID-19 của EU sẽ hướng đến 3 mục tiêu cốt lõi là hỗ trợ phục hồi và chuyển đổi cơ bản nền kinh tế EU theo các mục tiêu về kinh tế xanh và kỹ thuật số; tăng cường sự ổn định và thương mại dựa trên luật lệ và nâng cao năng lực của EU trong việc theo đuổi các lợi ích và thực thi các quyền của mình một cách tự chủ khi cần thiết.
Những mục tiêu này sẽ đảm bảo cho EU có các công cụ phù hợp để bảo vệ người lao động và doanh nghiệp khỏi các hành vi không công bằng, đảm bảo thực thi hiệu quả các chương trình phát triển bền vững trong các hiệp định thương mại nhằm nâng cao các tiêu chuẩn xã hội, lao động và môi trường trên toàn cầu.
Ưu tiên cải tổ WTO, tăng cường triển khai các hiệp định thương mại
Những đặc thù trong chính sách thương mại sau đại dịch COVID-19 của EU cũng thể hiện rõ trong 6 lĩnh vực ưu tiên trong trung hạn.
Đó là cải tổ WTO để đối phó với những thách thức hiện tại, bao gồm đưa ra các cam kết toàn cầu về thương mại và khí hậu, các quy tắc mới về thương mại kỹ thuật số, các quy tắc tăng cường giải quyết các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh và khôi phục hệ thống giải quyết tranh chấp ràng buộc của tổ chức này.
Hỗ trợ chuyển đổi sinh thái và thúc đẩy chuỗi giá trị có trách nhiệm và bền vững. Điều này được phản ánh trong Thỏa thuận Xanh của châu Âu, chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường là ưu tiên hàng đầu của EU. EU sẽ đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng sạch và thúc đẩy các chuỗi giá trị tuần hoàn, có trách nhiệm và bền vững, tôn trọng các tiêu chuẩn về môi trường, nhân quyền và lao động.
EU sẽ tăng cường tập trung triển khai và thực thi các hiệp định thương mại
Tiếp đó là hỗ trợ chuyển đổi số và thương mại dịch vụ, với mục tiêu đảm bảo vị thế dẫn đầu của EU trong thúc đẩy cải cách.
EU sẽ tăng cường tác động về quy định pháp lý để gia tăng cường ảnh hưởng, phát triển cách tiếp cận chiến lược hơn đối với hợp tác quốc tế về quy định pháp lý, đặc biệt là liên quan đến chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ đối tác với các nước láng giềng và châu Phi; tăng cường các mối quan hệ đối tác kinh tế chặt chẽ trong Khu vực Kinh tế châu Âu.
EU mong muốn hợp tác chặt chẽ với Vương quốc Anh để tận dụng triệt để cơ hội từ Hiệp định Thương mại và hợp tác, đồng thời hiện đại hóa mối quan hệ kinh tế - thương mại với Thụy Sĩ cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp đáp ứng các điều kiện thích hợp.
Đặc biệt, EU sẽ tăng cường tập trung triển khai và thực thi các hiệp định thương mại và đảm bảo một sân chơi bình đẳng.
Cùng với làn sóng các thỏa thuận mới trong những năm gần đây, EU sẽ tận dụng các lợi ích từ các thỏa thuận thương mại và thực thi mạnh mẽ các cam kết tiếp cận thị trường và phát triển bền vững.
Đây sẽ là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực của EU hướng tới sự tự chủ chiến lược mở và tạo điều kiện tiếp cận thị trường, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm