Chính sách

Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành bị...nghẽn!

DNVN - Kiểm tra chuyên ngành là một trong số ít lĩnh vực có sự cải thiện mạnh trong năm 2020, và cũng là lĩnh vực chứng kiến sự cải thiện liên tục trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa vẫn hầu như không được thực hiện.

Thúc đẩy hợp tác nhiều mặt giữa Ả-rập Xê-út và Việt Nam / Xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh cần chứng thư vệ sinh mới

Những nhận định quan trọng này đã được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Báo cáo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam - Aus4Reform).
Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, việc tra cứu mặt hàng kiểm tra chuyên ngành còn tương đối phức tạp. Mặc dù danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành với mã HS tương ứng đã được công bố đầy đủ, nhưng các văn bản này thay đổi thường xuyên và tương đối phức tạp, nhiều hướng dẫn chi tiết nằm ở công văn hướng dẫn ở công văn của các đơn vị chuyên môn, nên các doanh nghiệp logistics vẫn thường phải tự lập các bảng hướng dẫn quy trình nghiệp vụ cho nhân viên phụ trách hàng hoá nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI trình bày báo cáo tại hội thảo.
Nghị quyết 02 của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan xây dựng Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2021, và dự kiến được thể chế hóa bằng Nghị định trong quý II năm nay. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các quy định được thiết kế theo hướng cắt giảm chi phí kiểm tra, giảm đầu mối, giảm thủ tục và tránh độc quyền cung cấp các dịch vụ chứng nhận sự phù hợp
Về vấn đề tính thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa trong gia công hàng hóa, Nghị định 18/2021/NĐ-CP đã có quy định giải quyết được vấn đề này và nhận được nhiều đồng thuận của doanh nghiệp.
Về kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp phản ánh các nhiệm vụ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa được thực hiện, gồm: thực hiện áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng ưu tiên, công nhận lẫn nhau trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản; hướng dẫn và phân biệt giữa kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm; hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về cách thức kiểm tra (nhất là kiểm tra cảm quan).
Trong khi đó, báo cáo chỉ ra rằng cổng một cửa quốc gia đã tích hợp thêm 24 thủ tục mới, nâng tổng số lên 212 thủ tục hành chính của 12 Bộ, ngành chính thức triển khai trên cổng này. Vấn đề chậm, nghẽn mạng, rớt mạng hay từ chối truy cập đã được cải thiện. Thời gian trả lời một số thủ tục có nhiều cải thiện như thủ tục nhập khẩu hóa chất, thủ tục chứng nhận xuất xứ, giấy chứng nhận lưu hành tự do, giấy đăng kiểm các loại xe chuyên dùng, thủ tục công bố mỹ phẩm…
Tuy nhiên, báo cáo cho thấy, các thủ tục về hàng hóa nhóm 2 thuộc diện phải kiểm tra chất lượng như thép, quạt điện… vẫn cần được cải thiện, do phải xin đăng ký ở chi cục đo lường các tỉnh, thành phố, sau đó mới có thể dùng đơn đăng ký đó để đi làm tờ khai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phản ánh, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chuyên ngành hàng hóa vẫn hầu như không được thực hiện hoặc thực hiện với các tiêu chí đơn lẻ và khó đáp ứng. Không có mặt hàng nào được loại bỏ khỏi danh sách kiểm tra hoặc chuyển từ cơ chế kiểm tra khi nhập khẩu sang kiểm tra lưu thông trong năm 2020.
Cùng chia sẻ những bất cập trong hoạt động chuyên ngành, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đánh giá, hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn...
Với những điểm tồn tại này, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị cần sớm ban hành Nghị định thực hiện Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hoá nhập khẩu. Bên cạnh đó, khi xây dựng các quy định về loại mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, chỉ tiêu kiểm tra, cùng với cơ chế quản lý rủi ro (kiểm tra miễn giảm), cần yêu cầu các bộ ngành, cơ quan soạn thảo chứng minh bằng số liệu thực tế trong lịch sử về tỷ lệ hàng hoá vi phạm. Nếu không có các thuyết minh này thì cần kiên quyết loại bỏ khỏi diện phải kiểm tra.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm