Chính sách

Cần chính sách thuế ưu đãi đồng bộ cho ngành vật tư nông nghiệp

DNVN - Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần tạo ra một bộ chính sách thuế ưu đãi đồng bộ cho ngành vật tư nông nghiệp nói chung và phân bón nói riêng, thay vì ưu đãi theo chính sách thuế riêng lẻ như hiện nay.

Không cần phân bón, thứ nước này giúp lá tươi xanh, hoa nở rộ lại chẳng tốn tiền mua / Trồng hoa hồng, hoa lan mà biết đến loại phân bón này thì hoa nở nhiều, bông to

Nhóm vật tư nông nghiệp là một trong những ngành nghề quan trọng trong nền nông nghiệp Việt Nam và không ngừng phát triển trong nhiều năm qua. Trong đó, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số 1 đối với sản xuất nông nghiệp, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt.

Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD. Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, chiếm trên 36% tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là thị trường Malaysia và Hàn Quốc.

Phát biểu tại hội thảo "Vai trò của chính sách thuế trong sự phát triển của thị trường vật tư nông nghiệp Việt Nam", ngày 7/12, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền cho biết, thời gian qua, nhờ chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước và quá tái cơ cấu, ngành phân bón đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, khó khăn đang “gõ cửa” ngành phân bón cả về mặt chủ quan và khách quan. Trong đó, có những bất cập về chính sách Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Ngành vật tư nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, Quốc hội Khóa XV đã yêu cầu khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là Luật Thuế GTGT, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)…

“Dự kiến, tại phiên họp tháng 12/2023 khai mạc vào tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ bổ sung dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024”, bà Huyền cho biết.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều phân bón từ nước ngoài. Các nước này phần lớn đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT.

Mặt hàng này khi nhập khẩu vào Việt Nam lại không phải chịu thuế GTGT tại khâu nhập khẩu nên doanh nghiệp nước ngoài có điều kiện hạ giá bán với sản phẩm nhập khẩu và cạnh tranh không công bằng với phân bón sản xuất tại thị trường Việt Nam.

Bởi vậy, điều quan trọng là phải phát triển một chiến lược rõ ràng cho lĩnh vực này. Với các mặt hàng vật tư nông nghiệp là phân bón và thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản nên có sự đối xử về thuế khác nhau. Đối với phân bón nên đưa vào đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%.

“Khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%, cần lưu ý sửa đổi các quy định về hoàn thuế GTGT cho đồng bộ. Tránh tình trạng có doanh nghiệp nộp thuế “âm” qua nhiều năm nhưng không được hoàn thuế do không thuộc diện được hoàn thuế”, bà Dương nói.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, khi đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT, các nhà sản xuất trong nước được phép khấu trừ thuế GTGT này trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nội địa. Qua đó, giiúp nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư công nghệ mới, điều tiết giá thành, quản lý về chất lượng, thương hiệu, các sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Tuy nhiên, việc áp dụng cần mang tính chất phù hợp từng giai đoạn, từng thời kỳ để không ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Các đơn vị sản xuất phân bón cần chủ động rà soát toàn bộ quy trình, chi phí sản xuất phù hợp chính sách thuế mới.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ xây dựng quy trình thanh, kiểm tra để quản lý tốt giá phân bón, quản lý tốt tình trạng tích trữ các sản phẩm vật tư để tăng giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát đơn vị kinh doanh buôn bán chống hàng giả, nhái thương hiệu, bảo vệ nhà sản xuất chân chính”, ông Đạt cho biết.

Bàn sâu vào vấn đề để triển khai chính sách thuế nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho việc triển khai chính sách này. Đó là tiếp tục miễn nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh khuyến nghị cần xây dựng chính sách thuế ưu đãi đồng bộ đối với ngành vật tư nông nghiệp. Ảnh: Ngân Hà.

Tập trung ưu đãi Thuế TNDN đối với sản xuất máy móc thiết bị, dây chuyền, các sản phẩm đầu vào cho ngành nông nghiệp. Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ sản phẩm nông nghiệp, thu nhập từ cổ tức đầu tư vào ngành nông nghiệp...

Ngoài ra, có thể nghiên cứu và áp dụng các chính sách ưu đãi khác đối với ngành nông nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi, chính sách bảo vệ đất trồng lúa, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

“Các chính sách thuế ưu đãi đối với vật tư nông nghiệp cần thiết kế theo hướng tạo ra một bộ chính sách thuế ưu đãi đồng bộ, bao gồm cả chính sách thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên thay vì ưu đãi theo chính sách thuế riêng lẻ như hiện nay.

Xác định rõ mục tiêu chính sách ưu đãi thuế nông nghiệp là nhằm phát triển, tăng sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của nông sản Việt Nam. Thay vì mục tiêu ưu đãi thuế chỉ nhằm giúp ngành nông nghiệp bớt khó khăn hay duy trì giá nông sản ở mức thấp”, ông Ánh khuyến nghị.

Cũng theo ông Ánh, cần căn cứ vào mục tiêu chính sách thuế đối với nông nghiệp đã xác định để đánh giá tác động toàn diện của bộ chính sách ưu đãi thuế đến sức cạnh tranh và khả năng phát triển của toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp. Đồng thời, phân tích đánh giá tác động của thuế đến giá thành sản phẩm nông nghiệp cần dựa trên qui luật cung cầu, qui luật cạnh tranh cũng như nguyên tắc thị trường.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm