Chính sách

Đà Nẵng: Ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái tại các công sở, nhà máy, siêu thị, khách sạn

DNVN - Sở KH-CN Đà Nẵng cho hay, nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời lắp mái, TP Đà Nẵng sẽ ban hành đề án “Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng…

Đà Nẵng: Yêu cầu đảm bảo an toàn các công trình xây dựng đang “nước rút” trước Tết Nguyên đán 2021 / Đà Nẵng: Khắc phục vi phạm hành lang bảo vệ đường dây điện cao áp khi thi công tuyến đường vành đai phía Tây

Sở KH-CN Đà Nẵng vừa phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT TP tổ chức hội thảo “Phát triển điện mặt trời lắp mái trong công nghiệp, dân dụng và khu vực công”, thu hút sự tham gia của đại diện Sở Công Thương, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và các chuyên gia, doanh nghiệp về năng lượng mặt trời trên địa bàn TP.

Đà Nẵng sẽ ban hành Đề án “Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”

Đà Nẵng sẽ ban hành Đề án “Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”

Theo thông tin về hiện trạng sử dụng và các kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng điện mặt trời lắp mái tại Đà Nẵng, TP này được được đánh giá là một trong 6 địa phương có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn trong cả nước với số giờ nắng ở mức 2.000-2.600 giờ/năm và lượng bức xạ mặt trời cao (ở mức 4,8 kWh/m2/ngày). Đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác năng lượng mặt trời để thay thế một phần các năng lượng hóa thạch như than, dầu, khí đốt…

Tuy nhiên, đến cuối tháng 11/2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP mới đạt 31.3 MWp, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ đạt khoảng 43,6 MWp. Thực tế này cho thấy việc lắp đặt và khai thác năng lượng điện mặt trời mái nhà tại Đà Nẵng trong thời gian qua còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.

Sở KH-CN Đà Nẵng cho biết, theo ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo thì nguyên nhân chính của tình hình nêu trên là do các cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp tình hình thực tế. Ngoài ra, chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung, hướng dẫn về thiết bị công nghệ, lắp đặt, đấu nối và vận hành hệ thống điện mặt trời; chi phí đầu tư hệ thống còn cao, thời gian thu hồi vốn tương đối dài…

Theo Sở KH-CN Đà Nẵng, nhằm khuyến khích, thúc đẩy phát triển điện mặt trời lắp mái, chính quyền TP sẽ ban hành Đề án “Phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Trong đó ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng…; hướng đến mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 lắp đặt điện mặt trời áp mái trên 80 - 90% trụ sở công tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng sẽ tập trung phát triển điện mặt trời áp mái tại các nhà máy trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, đặc biệt là các khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng tại quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn nhằm giảm tải nguồn điện lưới quốc gia tại khu vực. Đối với khu vực dân cư, phấn đấu mục tiêu công suất lắp điện mặt trời mái nhà đến năm 2025 đạt khoảng 57,3MW; năm 2030 đạt 114,7MW và năm 2035 đạt 172MW.

 

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm