Chính sách

Đề nghị thông qua cơ chế đặc thù điện hạt nhân Ninh Thuận

DNVN - Để thực hiện mục tiêu hoàn thành dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong năm 2030-2031, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án ngay tại kỳ họp này để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Gỡ điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực phát triển khoa học công nghệ / VIS Rating: Nợ vay của nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng ở mức cao

Không bắt đầu từ con số 0

Ngày 17/2, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy đầu tư và triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh, bên cạnh những lợi ích tiềm năng, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn đối diện với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi sự xem xét cẩn trọng. Đại biểu đặc biệt lưu ý ba yếu tố: tài chính, công nghệ, và an toàn môi trường - xã hội, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp.

“Đây là lĩnh vực có công nghệ chuyên sâu, phức tạp, trong khi trình độ của Việt Nam hiện nay mới chỉ ở mức cơ bản. Chúng ta chắc chắn phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, đồng thời cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu dự án”, đại biểu Mai nêu.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông).

Ông đề xuất Chính phủ cần có chiến lược cụ thể để thu hút, đào tạo và giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) cho rằng, Việt Nam không phải hoàn toàn thiếu kinh nghiệm với lĩnh vực điện hạt nhân.

“Nhà máy điện hạt nhân vẫn là một dạng nhà máy nhiệt điện, chỉ khác ở nguồn nhiệt. Chúng ta có thể kế thừa kinh nghiệm vận hành lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt trong nhiều thập kỷ qua, cũng như sử dụng các tài liệu nghiên cứu từ giai đoạn chuẩn bị dự án trước đây”, bà Tú Anh phân tích.

Đại biểu này đề xuất ba giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, sớm hoàn thiện Luật Năng lượng nguyên tử để bảo đảm hành lang pháp lý và tiêu chuẩn an toàn theo khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo tối thiểu 1.200 nhân sự có chuyên môn phù hợp theo hướng dẫn của IAEA. Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông, bảo đảm sự đồng thuận của người dân trong khu vực dự án.

Đại biểu tin tưởng rằng, nếu có cơ chế đặc thù và sự quyết tâm từ cả hệ thống chính trị, mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong 5 năm tới hoàn toàn khả thi.

Trong khi đó, đại biểu Lê Mạnh Hùng (Cà Mau) nhấn mạnh tính cấp thiết của dự án trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nền.

“Theo số liệu mới nhất, công suất cực đại toàn hệ thống điện Việt Nam đã đạt 52.000 MW, trong khi dự phòng công suất còn rất thấp. Với xu hướng chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là việc không phát triển thêm điện than sau năm 2030, điện hạt nhân là giải pháp cần được đẩy nhanh”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu này đề nghị nghị quyết cần quy định rõ ràng về cơ chế tài chính, đặc biệt là nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay đối với EVN và PVN – hai doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong dự án.

Ngoài ra, ông Hùng cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Tú Anh rằng về bản chất, điện hạt nhân không quá khác biệt so với các dạng điện truyền thống khác. Quá trình giám sát nghiêm ngặt của IAEA và kinh nghiệm thực hiện các dự án quy mô lớn của PVN, EVN sẽ là cơ sở để Việt Nam tự tin triển khai.

Nhìn chung, các đại biểu đều thống nhất rằng điện hạt nhân là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, để triển khai thành công, cần có các chính sách đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ và quản lý rủi ro.

Cần cơ chế đủ mạnh

Phát biểu giải trình, tiếp thu tại Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét, thông qua.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo người đứng đầu Bộ Công Thương, do dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có quy mô rất lớn, công nghệ phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực hiện ở Việt Nam nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách này chưa được quy định hoặc khác với các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam nên rất cần phải được Quốc hội thông qua, ban hành Nghị quyết để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành và tỉnh Ninh Thuận thực hiện trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu hoàn thành dự án trong năm 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, rất cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại kỳ họp này để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc quan trọng ban đầu của dự án.

"Với tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sau phiên thảo luận hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ cùng cơ quan chủ trì thẩm tra quán triệt thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này, làm cơ sở để khẩn trương triển khai thực hiện Dự án", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm