Điện gió ngoài khơi: Cần cơ chế đặc thù, tiêu chí rõ ràng cho nhà đầu tư
Đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi / Hội thảo Quản lý điện gió ngoài khơi và Chuỗi cung ứng
Chia sẻ về những vấn đề liên quan đến lộ trình thực hiện điện gió ngoài khơi của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc T&T Group cho biết: Dự thảo Quy hoạch điện VIII xác định, điện gió ngoài khơi được ưu tiên phát triển trọng điểm, với quy mô công suất rất tham vọng là đến năm 2030 sẽ vận hành khoảng 7.000 MW ngoài khơi. Quy mô này có thể mở rộng thêm nếu đáp ứng đủ điều kiện, sau năm 2030, công suất sẽ có thể lên tới vài chục nghìn MW.
Tiềm năng lớn của điện gió ngoài khơi là vậy, nhưng công tác chuẩn bị từ khung chính sách, tới các cơ chế liên quan chưa thực sự đồng bộ, nhà đầu tư chưa sẵn sàng tham gia các dự án.
“Chúng tôi kiến nghị Quy hoạch điện VIII cần sớm được phê duyệt, cùng với đó, Bộ Công Thương sau khi phê duyệt cần xây dựng khẩn trương các bước triển khai quy hoạch, trong đó có kế hoạch và lộ trình cụ thể, rõ ràng cho điện gió ngoài khơi”, bà Bình nói.
Đối với điện gió ngoài khơi, theo Phó Tổng giám đốc T&T Group, đây là ngành công nghiệp đặc thù, được coi là ngành công nghiệp mới của Việt Nam.
Yêu cầu về kỹ thuật, tài chính cho điện gió ngoài khơi khác rất nhiều so với dự án năng lượng tái tạo khác (về quy mô, công nghệ, kỹ thuật). Bởi vậy, cần cơ chế đặc thù với tiêu chí rõ ràng cho nhà đầu tư, bao gồm các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm ở giai đoạn đầu trước năm 2030 để nhanh chóng khởi động được ngành công nghiệp mới này.
Bà Bình nhấn mạnh: Đây là ngành công nghiệp mới nên nó không chỉ phát triển như một ngành năng lượng thông thường, mà phải tính tới lộ trình, mục tiêu dài hạn. Ngoài sản xuất điện để phục vụ Việt Nam, điện gió ngoài khơi còn cho mục tiêu xuất khẩu.
Cần quan tâm tới việc chuyển giao và phát triển công nghệ, đồng thời, quan tâm đến liên kết chuỗi cung ứng. Điểm rất quan trọng nữa là phải phát triển nguồn nhân lực.
Nếu phát triển dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, sẽ phức tạp không khác gì dự án dầu khí vì cách bờ biển tới vài chục km. Việt Nam không thể phụ thuộc hoàn toàn vào chuyên gia nước ngoài. Phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cách quản lý điều hành điện gió ngoài khơi.
“Nói về điện gió ngoài khơi thì rất hay nhưng chúng ta đều chưa biết quy trình quản lý, vận hành, đầu tư dự án đó gồm những thứ gì, có rủi ro gì, thậm chí còn có các yếu tố liên quan đến an ninh quốc phòng, tài nguyên môi trường biển. Làm thế nào để chúng ta vận hành hài hòa các yếu tố đó là vấn đề nên quan tâm”, bà Bình băn khoăn.
Bàn về vấn đề giá, Phó Tổng giám đốc T&T Group đề xuất trong giai đoạn đầu (giai đoạn chuyển tiếp), Chính phủ nên có giá cố định giống như trước đây từng áp dụng với các dự án điện gió nhằm khuyến khích đầu tư trong giai đoạn nhất định.
Các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng làm như vậy, họ đều dành một khoảng thời gian để có một cơ chế giá cố định, giúp nhà đầu tư có thể tính toán đưa ra giá có thể cạnh tranh trên thị trường.
Bà Bình cũng thừa nhận, giá thành điện gió ngoài khơi sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào quy mô dự án, vị trí dự án.
“Ví dụ, một dự án điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận, Ninh Thuận với tốc độ gió rất tốt thì giá sẽ khác với dự án điện gió ngoài khơi ở Hải Phòng, Thái Bình. Chính phủ cũng phải cân nhắc tới nhiều yếu tố liên quan mới có thể đưa ra quyết định về giá”, bà Bình nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo