Chính sách

Định vị lại ngành dầu khí trước xu hướng chuyển dịch năng lượng

DNVN - Giới chuyên gia cho rằng, các thiết chế đang chi phối ngành dầu khí cần định vị lại mình trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng năng lượng trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam cũng như toàn cầu với tầm nhìn dài hạn cho tới năm 2050.
Thách thức của ngành dầu khí
Quá trình chuyển dịch năng lượng mang lại nhiều cơ hội, giúp mở rộng đối với các ngành hiện hữu. Tuy nhiên, chuyển dịch năng lượng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt trực tiếp đối với ngành khai thác nhiên liệu hoá thạch. Trong đó, ngành dầu khí là ngành chịu tác động tương đối rõ rệt khi đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng truyền thống trên toàn cầu.
Tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) diễn ra sáng 19/10 tại Hà Nội, ThS. Phạm Văn Long - đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Năm 2021, Việt Nam được xếp hạng 61 trên tổng số 115 quốc gia về mức độ sẵn sàng chuyển dịch năng lượng trong chỉ số Chuyển dịch năng lượng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
ThS. Phạm Văn Long - đại diện nhóm nghiên cứu “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và hàm ý chính sách đối với ngành dầu khí Việt Nam”.
Các ngành năng lượng như ngành điện và ngành giao thông vận tải có xu hướng thay đổi nhiều nhất để đáp ứng cam kết của Việt Nam trong việc giảm thải khí nhà kính. Ngành dầu khí, với chức năng cung cấp nhiên liệu đầu vào cho các ngành trên cũng đang đối mặt với các cơ hội và thách thức trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu.
"Đối với ngành dầu khí, đây sẽ là thách thức nhưng cũng tồn tại những cơ hội mới mà nếu tận dụng hiệu quả và có những chính sách phù hợp thì sẽ giúp ngành dầu khí chuyển mình thành công trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng của đất nước", đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Hiện tại ngành dầu của Việt Nam đang đối mặt với hiện trạng vô cùng khó khăn trong việc gia tăng trữ lượng dầu nhằm bù đắp vào sản lượng khai thác hàng năm. Đồng thời, công tác kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm thăm dò cũng không mấy khả quan khi tiềm ẩn nhiều rủi ro và không hấp dẫn khi lợi nhuận biên thấp. Các chính sách nhằm giảm thiểu các loại nhiên liệu hoá thạch sẽ tạo thêm nhiều rào cản đối với sự phát triển của ngành dầu mỏ trong tương lai.

Những bất cập
Cũng theo ThS. Phạm Văn Long, Dự thảo Luật Dầu khí sắp tới được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy cho quá trình đầu tư, tìm kiếm, phát hiện, thăm dò và khai thác các mỏ dầu, khí mới diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Tuy nhiên, cho đến bản dự thảo lần thứ 4 (ngày 22/8/2022) vẫn còn một số bất cập.

Theo các chuyên gia, ngành dầu khí đối mặt nhiều thách trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.
Cụ thể, Luật Dầu khí mới chỉ quy định các hoạt động ở khâu thượng nguồn, mà không quy định các hoạt động trung và hạ nguồn. Việc này sẽ gây ra hiện tượng xung đột, chồng chéo trong quá trình quản lý chuỗi giá trị dầu khí.
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi đang đề xuất đối với các dự án đặc biệt ưu đãi, nhà đầu tư có thể được áp dụng mức giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% đến tối đa 50%. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm qua, các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp. Mức thuế suất trung bình của ASEAN đã giảm từ 25,1% vào năm 2010 xuống còn 21,7% vào năm 2020. Vì vậy, việc giảm thuế suất của Việt Nam được cho là sẽ không hiệu quả.
Dự thảo chưa có quy định pháp luật về các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế. Điều này sẽ khiến cho việc giải quyết tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Ngoài ra, chưa có các hướng dẫn cụ thể cho việc điều tra, thăm dò và khai thác các loại dầu khí phi truyền thống.
Cần định vị lại ngành dầu khí
"Đối với Việt Nam trong giai đoạn này, điện khí vẫn là nhân tố quan trọng giúp thay thế dần các nguồn nhiệt điện than và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn khí LNG nhập khẩu từ nước ngoài không phải là giải pháp bền vững cho chuyển dịch năng lượng Việt Nam", ThS. Phạm Văn Long nói.
Mặc dù Quy hoạch Điện VIII đề xuất Việt Nam tham gia thị trường LNG với hợp đồng dài hạn để tránh các biến động về giá. Tuy nhiên, theo các trường hợp tại quốc gia nhập khẩu khí LNG lớn như Nhật Bản, trong nhiều trường hợp như nhu cầu tăng cao và lo ngại tình hình cung từ Nga, Nhật Bản vẫn chịu ảnh hưởng bởi biến động giá trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, việc đầu tư cho các cơ sở vật chất chuyên dụng cho việc nhập khẩu khí LNG từ nước ngoài đòi khỏi một nguồn vốn lớn với mức độ rủi ro cao trong khâu vận hành hệ thống.
Vì vậy, Việt Nam cần phải tăng cường khai thác các mỏ khí đốt tiềm năng của mình thay vì duy trì sản lượng hiện nay như Quy hoạch Điện VIII đang đề xuất.
Việt Nam hiện cũng đang trong tiến trình chuyển dịch năng lượng với những tiềm năng lớn về điện mặt trời và điện gió. Sự phát triển của sản xuất điện từ năng lượng tái tạo tạo ra những thay đổi đáng kể về nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sử dụng cho ngành sản xuất điện. Tuy vậy, quá trình chuyển dịch này đặt ra thách thức trong vận hành hệ thống điện. Ngoài ra, điện khí góp phần đa dạng hóa nguồn điện năng lượng tái tạo. Do đó, trong bối cảnh ở Việt Nam, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp khí trở nên hứa hẹn.
Với ngành dầu khí, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các thiết chế đang chi phối ngành này cần định vị lại mình trong toàn bộ chuỗi sản xuất và cung ứng năng lượng trong bối cảnh mới, với tầm nhìn dài hạn tới năm 2050.
Ngành dầu khí cần tham gia vào quá trình cải cách toàn bộ thị trường năng lượng của Việt Nam, trong đó có hệ thống truyền tải và phân phối điện năng. Việc tham gia đóng góp xây dựng một thị trường năng lượng phù hợp với bối cảnh chuyển dịch năng lượng, về cấu trúc thị trường và mức độ cạnh tranh, sẽ giúp khai thông việc phát triển các nguồn năng lượng mới.
"Sự điều phối cải cách thể chế toàn bộ ngành năng lượng là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo cao nhất, nhưng ngành dầu khí cần tích cực tham gia đóng góp vào quá trình với với một tầm nhìn chiến lược, vì lợi ích chung và lợi ích của ngành", ThS. Phạm Văn Long khuyến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo