Chính sách

Doanh nghiệp cần thể hiện tinh thần phản biện chính sách mạnh mẽ hơn

DNVN - Chia sẻ về giải pháp thực thi Nghị quyết 02/NQ-CP, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV nhấn mạnh áp lực cải cách đồng đều đòi hỏi doanh nghiệp cần tinh thần phản biện chính sách mạnh mẽ hơn.

Nghị quyết 02 - Phải quyết liệt để đạt mục tiêu / DN xi măng hưởng lợi từ Nghị quyết 02 của Chính phủ

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nội dung Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (Nghị quyết 02) có 2 điểm rất đáng lưu ý. Đó là quá trình nâng cao chất lượng thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nghị quyết 02 thể hiện sự cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ, theo mức độ quyết liệt tăng dần. Chính phủ ngày càng quyết tâm với những cam kết rất mạnh mẽ về cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài việc thể hiện tính liên tục 9 năm liền của quá trình cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ, Nghị quyết 02 đã mở rộng cả về phạm vi, nội dung và mức độ cải cách qua nhiều nhóm vấn đề, thậm chí là các vấn đề mang tính dài hạn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, Phó viện trưởng Viện CIEM. Ảnh: Hà Anh.

Tuy nhiên ông Hiếu cho rằng, có nhiều thách thức cần phải vượt qua trong quá trình thực thi Nghị quyết 02: “Bây giờ mức độ cải cách khó hơn, chúng ta đã cải cách trong suốt thời gian dài, giai đoạn đầu cải cách bao giờ cũng dễ hơn. Mức độ cải cách bây giờ khó hơn, không chỉ nằm trong một bộ, mà đòi hỏi sự phối hợp của rất nhiều bộ ngành. Ví dụ như vấn đề về kiểm tra chuyên ngành, hiện không chỉ là ngành công thương mà đòi hỏi sự phối hợp, sự chuyển động của nhiều bộ ngành, với những đòi hỏi khó hơn”.

Tiếp đó, theo ông Hiếu, sự cạnh tranh quốc tế mà Nghị quyết 02 đề ra cũng tạo thách thức lớn. Nếu các nước cải cách 1, thì Việt Nam phải cách 3 mới theo kịp họ. Trong bối cảnh COVID-19, áp lực cải cách càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Đòi hỏi của thực tiễn, đòi hỏi của nhà đầu tư đối với cải cách là cải cách phải mạnh mẽ hơn mới đáp ứng được yêu cầu của bối cảnh mới như hiện nay.

“Chúng ta có thuận lợi, đầu tiên là cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ cùng các cơ quan trung ương và địa phương. Một số bộ rất tiên phong, tích cực, đã mang lại những cải cách rất thành công, ví dụ như chỉ số về điện năng hay địa phương là Quảng Ninh. Thuận lợi là tấm gương, cũng là áp lực cho các bộ ngành khác trong quá trình cải cách”, ông Hiếu nói.

Hiện các cơ quan của Trung ương và Quốc hội cũng rất năng động và thậm chí, kỳ họp bất thường của Quốc hội vừa qua cũng chỉ để giải quyết vấn đề bất thường là gỡ bỏ rào cản về thể chế. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội họp bất thường như vậy. Đấy chính là cơ hội rất quan trọng cho quá trình cải cách môi trường kinh doanh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV bày tỏ mong muốn cơ quan chủ trì là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên cải cách đồng đều. Nếu chúng ta cứ duy trì tình trạng cải cách không đồng đều, có bộ cải cách tốt, có bộ thì không cải cách, thậm chí thụt lùi trong quá trình cải cách. Tại địa phương cũng vậy, điều này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của sự cải cách.

Khuyến nghị với doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, các nội dung giải pháp cải cách môi trường kinh doanh Nghị quyết 02 đã rõ. Doanh nghiệp kinh doanh như đi trên một con đường. Đoạn đường này tốt, nhưng có đoạn đường có ổ gà tạo ra điểm nghẽn làm cho tất cả những cải cách tốt bị giảm đi giá trị.

“Tôi rất mong muốn thúc đẩy cải cách đồng đều trong tất cả các bộ, ngành, các khâu. Không chỉ ở Quảng Ninh, Bộ Công Thương, hay Tập đoàn Điện lực, mà cần sự đồng đều hơn nữa. Đối với doanh nghiệp, tiếng nói của doanh nghiệp trong việc phản biện các chính sách rất quan trọng, vì doanh nghiệp là người trực tiếp tiếp xúc, thông tin của họ kịp thời nhất, thực tiễn nhất. Doanh nghiệp cần thể hiện tinh thần ấy mạnh mẽ hơn trong việc thông tin với Chính phủ”, ông Hiếu khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm