Chính sách

Doanh nghiệp gặp khó, không đặt nhiều triển vọng sản xuất kinh doanh

DNVN - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều thể hiện sự khó khăn, không đặt nhiều triển vọng về hoạt động sản xuất kinh doanh vào cuối năm 2022 và đến năm 2023.

Nghị quyết 02 - Phải quyết liệt để đạt mục tiêu / DN xi măng hưởng lợi từ Nghị quyết 02 của Chính phủ

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 (Nghị quyết số 02) của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong nửa đầu năm 2022, có sự phục hồi. Sức cầu tiêu dùng trong nước tăng; du lịch phục hồi nhanh; đăng ký doanh nghiệp có nhiều khởi sắc.

Tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 194.699 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2022 gấp 1,47 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, do đó kéo theo nhiều tác động xã hội. Số doanh nghiệp khó khăn rất phổ biến, nhất là kể từ quý IV/2022.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5,3%, thấp hơn tốc độ tăng tháng trước đó (5,5%) và chỉ bằng một nửa của tháng 9 (10,3%). Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11 giảm 7,8% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu giảm 8,4% (khu vực kinh tế trong nước giảm 14,2%).

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm.

Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng giảm sút, chi phí đầu vào tăng cao. Trong 11 tháng năm 2022, có tới 132.339 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021; phần lớn là tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn.

“Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo sang đến giữa năm 2023 ngày càng rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh cầm chừng, gần nửa triệu lao động chính thức bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự suy giảm sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp cố gắng chưa cắt giảm công nhân, song đã ngừng tăng ca, giảm giờ làm, cắt phép năm cho người lao động. Doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều thể hiện sự khó khăn, không đặt nhiều triển vọng về hoạt động sản xuất kinh doanh cuối năm 2022 và sang năm 2023”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, môi trường kinh doanh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn bất cập. Trong đó, cạn vốn, khó tiếp cận vốn là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19.

Mặc dù gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%, tuy nhiên, thời điểm này, các doanh nghiệp cũng tỏ ra rất thận trọng khi vay vốn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng cao.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh niềm tin bị ảnh hưởng, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo. Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô.

Doanh nghiệp gặp khó về duy trì các kênh huy động vốn trung và dài hạn để mở rộng đầu tư.

Vấn đề chậm hoàn thuế đang gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp. Việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng cũng khiến cho dòng tiền vốn khó càng trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, tình trạng thanh tra, kiểm tra có xu hướng mở rộng và với tần suất thường xuyên, liên tục. Thực tế này gây tâm lý nặng nề cho doanh nghiệp; làm trầm trọng hơn sự khó khăn của doanh nghiệp.

Thủ tục giải thể doanh nghiệp phức tạp, quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau khiến nhiều doanh nghiệp không thể giải thể để chấm dứt hoạt động một cách đàng hoàng, công khai.

“Bước sang năm 2023, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế nước ta bên cạnh những thuận lợi thì sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Để tiếp tục thực thi cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh một cách có hiệu quả và trách nhiệm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; người đứng đầu các cơ quan cần trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02.

Cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích đổi mới sáng tạo và cơ chế bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung để cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ. Các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất hơn; giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp.

Các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ duy trì và kéo dài thời gian áp dụng các gói hỗ trợ về tài khóa (đặc biệt là giảm thuế) và tiền tệ (giảm lãi suất, nới room tín dụng) để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 nhằm duy trì nỗ lực cải cách, thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm