Chính sách

Doanh nghiệp nước giải khát lo "khó chồng khó" nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt

DNVN - Phát biểu tại Hội thảo “Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, ngày 5/7, TS Nguyễn Minh Thảo, Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường có thể tăng hoạt động buôn lậu.

Ngành đồ uống kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt / Kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng thuế khiến doanh nghiệp kiệt quệ

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) nhận được sự quan tâm đặc biệt của doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp cho rằng, dự án luật này có tác động sống còn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Trong các nhóm chính sách dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung, đặc biệt có nhóm nước giải khát có đường, mục đích bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa sự thừa cân béo phì đang báo động, nguy cơ cao đối với nhiều bệnh không lây nhiễm.

Dự án luật cũng đưa ra việc cần xem xét kỹ lưỡng để áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhóm thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch thuốc lá mới và nhóm kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, nhóm xe ô tô (loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ).

Bàn về những khó khăn mà doanh nghiệp ngành nước giải khát chịu tác động nếu phải chịu áp thuế giá trị gia tăng theo dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), TS Nguyễn Minh Thảo – Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM nhấn mạnh doanh nghiệp lĩnh vực này đang gặp khó sẽ lại càng gặp khó.

TS Nguyễn Minh Thảo (CIEM) cho rằng áp thuế tiêu thụ đặc biệt nước giải khát có đường sẽ tăng hoạt động buôn lậu. Ảnh: Hà Anh.

Bà Thảo cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 0% lên 10% với sản phẩm nước giải khát có đường dự báo ảnh hưởng sụt giảm sản lượng hơn 3.000 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động, thu ngân sách qua thuế đều giảm.

Mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế sẽ tạo gánh nặng, thậm chí làm kiệt quệ doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn.

Nguy cơ giảm doanh thu, sản lượng ngành nước giải khát

Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Tú Thành – Phó Giám đốc Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng, hiện nay có 45 quốc gia (chưa đến ¼ các nước trên thế giới) áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường. Cùng với đó, việc áp dụng loại thuế này chưa đạt hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì.

“Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường với mức thuế suất 10% sẽ giúp tăng ngân sách Nhà nước khoảng 2.280 tỷ đồng song ngược lại sẽ làm giảm doanh thu, sản lượng riêng ngành nước giải khát và ngành mía đường khoảng 3.160 tỷ đồng, dẫn tới tổng ảnh hưởng giảm hơn 880 tỷ đồng”, ông Thành nói.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”. Ảnh: Hà Anh.

Việc này còn gây tác động đến hàng ngàn lao động trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Trung - Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho rằng, đường là một mặt hàng đặc biệt khi đang được hưởng những chính sách bảo hộ để hỗ trợ phát triển, như hạn ngạch thuế quan, thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp.

“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm có đường sẽ tạo sự thiếu nhất quán về mặt lập pháp trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành đường bằng cách gián tiếp hạn chế lượng tiêu thụ đường.

Mục tiêu thu ngân sách cũng khó đạt được do sự tương quan trong việc giảm thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà sản xuất đồ uống, tạo sự sụt giảm theo chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp cung cấp đầu vào khác cũng chịu sự sụt giảm theo”, ông Trung nhấn mạnh.

Khuyến nghị tại hội thảo, ông Trung cho rằng cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp hơn trong dự án luật, ví dụ như quy chuẩn kỹ thuật về hàm lượng đường tối đa trong thực phẩm.

Đại diện Ban Pháp chế VCCI khuyến nghị dự án luật cần xem xét sửa đổi, bổ sung giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm