Chính sách

Dự thảo quản lý thuế: Ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh

DNVN - Góp ý cho Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế, nhiều ý kiến tập trung vào Chương IX của dự thảo, đó là Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Hà Nội ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và cả trên mặt nước / Áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP

Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế (gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng tới hoạt động liên quan đến thuế của các doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh.
Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế. Sự kiện diễn ra sáng 22/3 tại Hà Nội.
Một trong những chương trọng tâm được nhiều cơ quan, tổ chức quan tâm và đưa ra ý kiến góp ý, khuyến nghị là Chương IX của dự thảo thông tư. Đó là Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo Góp ý Dự thảo thông tư hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế.
Nên mở rộng đối tượng nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam
Góp ý cho dự thảo này, đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Ernst & Young Việt Nam cho biết: Chương IX của dự thảo thông tư mới đưa ra quy định về quản lý, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số của nhà cung cấp nước ngoài.
Đối với trường hợp NCCNN có thu nhập phát sinh ở Việt Nam nhưng không từ hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số thì chưa được đề cập. Ví dụ: chuyển nhượng vốn gián tiếp, nhà thầu nước ngoài bán hàng qua kho ngoại quan ở Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khác...
Do đó, EY đề xuất nên mở rộng đối tượng NCCNN có thu nhập phát sinh ở Việt Nam để tạo điều kiện cho các nhà thầu nước ngoài có cơ sở để kê khai, ủy quyền kê khai, nộp thuế ở Việt Nam nếu phát sinh các giao dịch này.
Điều 84 của dự thảo quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Với điều 84 này, EY khuyến nghị nên áp dụng thống nhất nguyên tắc chung về cơ sở thường trú trong các văn bản pháp quy khác hiện vẫn đang có hiệu lực.
"NCC ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định ở Việt Nam có hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (gọi tắt là nhà cung cấp ở nước ngoài) được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú thì thực hiện theo quy định của hiệp định đó".
Trong khi đó, về mã số thuế, Điều 87 của dự thảo nêu rõ: Mã số thuế nộp thay 10 số được cấp tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được ủy quyền hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển tiền cho NCC ở nước ngoài.
Với nội dung này, EY đề nghị ban soạn thảo cân nhắc làm rõ các trường hợp có thể phát sinh. Cụ thể:
Đối với trường NCCNN đã đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế được cấp mã số thuế (MST) 10 chữ số theo thông tư này, thì tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được NCCNN ủy quyền sẽ sử dụng MST này để kê khai, nộp thuế thay. Việc này sẽ thuận lợi cho cơ quan quản lý theo dõi việc kê khai và nộp thuế của các NCCNN ở Việt Nam, cũng như đảm bảo tính minh bạch trong việc thực thi chính sách thuế.
Đối với trường hợp NCCNN không đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế mà ủy quyền toàn bộ cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam: cho phép tổ chức tại Việt Nam sử dụng MST nộp hộ tại Việt Nam sử dung MST nộp hộ hiện tại để kê khai nộp thuế thay. Điều này sẽ làm giảm bớt các thủ tục hành chính phát sinh thêm cho bên được ủy quền, tạo điều kiện để người nộp thuế dễ dàng tuân thủ trong việc đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Với những phân tích trên, đại diện EY kiến nghị sửa điều 87 như sau: MST 10 số được cấp cho NCC ở nước ngoài. MST nộp thay 10 số được cấp tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được ủy quyền hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển tiền cho NCC ở nước ngoài.
Trường hợp NCC ở nước ngoài đã được cấp MST 10 số theo khoản 1, điều này thì NCC ở nước ngoài cung cấp MST cho tổ chức, cá nhân tại Việt Nam được NCC ở nước ngoài ủy quyền hoặc cung cấp cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế.
Trường hợp NCC ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế trực tiếp theo khoản 1, điều này thì tổ chức ở Việt Nam sử dụng MST nộp thay 10 số đã được cấp theo các quy định về đăng ký thuế để thực hiện kê khai và nộp thuế thay NCCNN theo Điều 94 Thông tư này.
Dự thảo tạo ra mạng lưới rất phức tạp về nghĩa vụ thuế
Trong khi đó, có mặt tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng tập trung góp ý cho Chương IX của dự thảo thông tư.
"Xét một cách tổng thể, chúng tôi băn khoăn về nội dung Chương IX vì chúng tôi cho rằng các quy định mới trong chương này tạo ra mạng lưới rất phức tạp về nghĩa vụ thuế TNDN, thuế GTGT cũng như cơ sở thường trú và khấu trừ. Trong khi đó, các quy định của thông tư chưa giải quyết được những vấn đề còn trùng lặp giữa các hiệp định thuế khác nhau mà Việt Nam đã tham gia ký kết", đại diện Amcham nói.
Đại diện Amcham cũng bày tỏ băn khoăn về một số khái niệm. Đó là khái niệm thương mại điện tử và kinh doan dựa trên nền tảng số. Các khái niệm này theo Amcham là quá rộng. Còn khái niệm về cơ sở thường trú, Amcham cho rằng khái niệm này chưa có trong một số luật về thuế của Việt Nam, trong đó có Luật Quản lý thuế.

Đại diện Amcham phát biểu tại sự kiện.
"Chúng tôi rất mong các quy định trong thông tư không đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế, các điều khoản của các hiệp định về thuế mà Việt Nam đã tham gia ký kết cũng như các luật về thuế trong nước chúng ta đã ban hành về cách xác định cũng như định nghĩa như thế nào là cơ sở thường trú. Chúng tôi biết trong lĩnh vực này trên quy mô toàn cầu chúng ta đã có một số diễn đàn, trong đó có khung khổ toàn diện của OECD, G20 về thuế và dịch chuyển lợi nhuận mà Việt Nam là thành viên của khung khổ toàn diện này. Do đó, chúng tôi mong được làm rõ kế hoạch của Việt Nam trong thời gian tới khi chúng ta đạt giải pháp chung toàn cầu về áp thuế cho các dịch vụ kỹ thuật số trong khuôn khổ OECD", đại diện Amcham chia sẻ.
Về hiệu lực thi hành và quy trình thủ tục ban hành trong thông tư, Amcham kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên có khoảng thời gian chuyển tiếp để doanh nghiệp chuẩn bị kịp thời các hệ thống của họ, chẳng hạn hệ thống về thu thập thông tin cần thiết để doanh nghiệp tuân thủ các quy định mới phù hợp và thuận lợi. Thời gian chuyển tiếp cũng sẽ cho phép Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính có thêm thời gian để đánh giá được tác động của những quy định mới và đồng thời có thể ban hành một số cơ chế để cho các NCCNN cũng như các đối tượng nộp thuế có thể truy cập để nắm bắt thông tin về quy định và tuân thủ.
Ở quy mô lớn hơn, đại diện Amcham phát biểu: Các hội viên trong Hiệp hội hoạt động ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, họ cần tính liên tục và tính đơn giản trong các quy định về thuế để họ tuân thủ.
"Hiện tại chi phí tuân thủ thuế ở Việt Nam đã khá là cao rồi. Do đó, chúng tôi mong các khái niệm mới, các quy định mới trong thông tư này cần hết sức rõ ràng, tường mình, giảm thiểu tối đa tính phức tạp của các quy định nhằm giúp DN hiểu và tuân thủ dễ dàng.
Đây là một nội dung hết sức quan trọng liên quan tới quy định về thuế, có ý nghĩa quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, và với người sử dụng và tiêu dùng tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi rất mong những quy định này khi ban hành phải hết sức đúng đắn", đại diện Amcham nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm