Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ
Vì sao giá nhiều mặt hàng tăng CPI tháng 4 lại giảm? / CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,29%, thấp nhất trong 5 năm qua
Khả năng "nhập khẩu" lạm phát là hiển nhiên
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, 6 tháng đầu năm kinh tế phục hồi mạnh, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu cùng với tác động của giá hàng hóa thế giới đã đẩy giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng lên nhưng nhìn chung, mặt bằng giá cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát 6 tháng cuối năm tiếp tục gia tăng bởi giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu trên thế giới tăng đã tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Long nhấn mạnh: Có 3 yếu tố chính gây áp lực lên lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm.
Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế. Tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế) chiếm 50,98%.
Do vậy, khi nguyên, vật liệu đầu vào tăng là yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Cùng với đó, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Đặc biệt xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình.
Theo tính toán của cơ quan chức năng khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh hàng hóa quốc tế.
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, khi tống cầu lại tăng đột biến bới Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng, cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang lan tỏa vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.
"Khả năng "nhập khẩu" lạm phát là hiển nhiên trong bối cảnh tắc nghẽn các chuỗi cung ứng, giá năng lượng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng”, ông Long nhấn mạnh.
Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá
Chia sẻ về giải pháp kiểm soát lạm phát, theo ông Long, để nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng trong giai đoạn nửa cuối năm 2022 và tạo sức bật trong năm 2023, cần tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình phục hồi 2022-2023; xây dựng kịch bản nếu Fed tăng nhanh lãi suất dẫn tới những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu.
Đồng thời, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý.
Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, sát với tình hình thực tế.
Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.
Cần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung Bộ Tài chính chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, đồng thời, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể. Trước mắt, chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá .
Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ tác động đến CPI để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm.
“Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá khi hàng hóa có biến động bất thường. Hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường”, ông Long khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo