Chính sách

Kiến nghị cân nhắc kỹ việc đưa game online vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

DNVN - Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu lại việc đưa trò chơi trực tuyến vào diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Ngành đồ uống kiến nghị chưa sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt / Kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

Chia sẻ tại Hội thảo “Góp ý Đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)”, ngày 5/7, ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames cho rằng, trò chơi điện tử trực tuyến là một phần quan trọng của ngành công nghiệp nội dung số, của kinh tế số, nên có những chính sách để ưu tiên phát triển.

Trên thế giới, ngành game là trụ cột trong ngành nội dung số và kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game năm 2022 trên thế giới đạt 184 tỷ USD và dự kiến năm 2023 sẽ đạt 194 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, năm 2022 trên thế giới có khoảng 3,2 tỷ người chơi game.

Bản chất của trò chơi điện tử trực tuyến là sáng tạo nội dung trên môi trường internet để phục vụ cho nhu cầu giải trí của mọi người trong xã hội. Bởi vậy, cần được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí, giống như phim ảnh, ca nhạc…

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến, VNGGames kiến nghị Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) cần bớt định kiến với trò chơi điện tử trực tuyến.

Ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Tây Ba Nha và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

Gần đây, một số quốc gia như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Jordan... cũng đã có nhiều sáng kiến, chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ sớm chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD này.

Nếu nhìn nhận một cách tích cực và hợp xu hướng, ngành game là 1 ngành công nghiệp trí tuệ, có sức sáng tạo cao, là nơi áp dụng những công nghệ mới nhất, tiên tiên nhất trước khi đưa vào cuộc sống.

Thể thao điện tử đã được Uỷ ban Olympic công nhận, đã được chính thức đưa vào thi đấu tại các kỳ đại hội thể thao và mang về nhiều huy chương, vinh quang cho Việt Nam.

“Nói như vậy để chúng ta có thêm những nhìn nhận khách quan, cởi mở hơn với một ngành nghề đang được thế giới nhận định là tương lai của kinh tế số”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài.

Trên thực tế, tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là 1 ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Khác với hàng hoá thông thường, các sản phẩm trên môi trường internet rất khó quản lý theo phạm vi biên giới, lãnh thổ. Một người dùng Việt Nam rất dễ dàng trả tiền cho 1 dịch vụ trò chơi của nước ngoài chỉ bằng vài thao tác đơn giản.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với Nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Trong bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp Việt Nam, VNGGames cũng không là ngoại lệ. Năm 2022, doanh thu của VNGGames giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp cho ngân sách Nhà nước là khoảng 758 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021 (khoảng 883 tỷ đồng).

Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 giảm 11% xuống còn 1.132 người và năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 980 người (giảm 13%).

“Nếu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý”, ông Thắng nhấn mạnh.

Qua đó, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu lại việc đưa trò chơi trực tuyến vào diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm