Chính sách

Miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp KH&CN: Bước đột phá lớn để DN phát triển vượt đại dịch Covid-19

DNVN - Việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với DN KH&CN quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về DN KH&CN không chỉ là một đột phá lớn trong việc phát triển DN KH&CN mà đây còn là “liều thuốc bổ” để DN KH&CN có thêm nội lực vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.

Hà Nội ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà và cả trên mặt nước / Áp dụng biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP

Hiện nay, khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn đóng vai trò tiên phong cho sự phát triển, kinh tế, xã hội, trong đó, các doanh nghiệp KH&CN là nòng cốt. Doanh nghiệp KH&CN hiện đang được xác định là “đòn bẩy cho sản xuất trong nước” vì không chỉ là cầu nối đưa nhanh các nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế. Để khuyến khích thành lập và phát triển doanh nghiệp KH&CN, nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, ưu đãi về tín dụng và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước… đã được ban hành.

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 03 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2021) hướng dẫn về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với doanh nghiệp KH&CN.Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn bà Phan Thị Mỹ Yến – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Namđể hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trước ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp KH&CN quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP. Những giải pháp tổng thể này có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp KH&CN hiện nay, thưa bà?

Bà Phan Thị Mỹ Yến: Đại dịch Covid-19 bắt đầu từ đầu năm 2020 đến nay tồng số trên 200 quốc gia trên thế giới và hơn 100 triệu người mắc, hơn 2 triệu người tử vong. Việt Nam tuy đã có nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở mức thấp nhất, song đã trải qua 3 đợt dịch và hiện đang trong tình trạng vẫn còn ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, các tỉnh phía Bắc ảnh hưởng nặng nề. Nguyên nhân đó đã làm ảnh hưởng rất lớn cho kinh tế Việt Nam và cả thế giới. Trước tình hình khó khăn mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong việc đầu tư kinh doanh. Đặc biệt là ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đưa hàng hóa ra thị trường. Việc cần có vốn và nguồn nhân lực, đất đai, cơ sở hạ tầng để phát triển là điều quan trọng nhất. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, cần phải có thêm nhiều động lực để phát triển doanh nghiệp lĩnh vực KH&CN làm nền tảng đẩy nhanh chuyển đổi số, kinh tế số, biến những nguy cơ từ dịch Covid-19 thành cơ hội để phát triển.

Vì vậy, các chủ trương, chính sách ưu đãi của Chính phủ đưa ra cho các doanh nghiệp không chỉ là việc cần thiết và cấp bách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lúc khó khăn này mà còn khắc phục câu chuyện doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KH&CN nói riêng cứ mãi "còi cọc, không dám lớn" chỉ vì chưa nhận được ưu đãi cần có của một ngành mang tính chủ lực trong phát triển kinh tế.

Theo bà Phan Thị Mỹ Yến – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN là Bước đột phá lớn để phát triển vượt đại dịch Covid-19.

Theo bà Phan Thị Mỹ Yến – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN là bước đột phá lớn để doanh nghiệp phát triển.

Để được miễn, giảm thuế TNDN, các doanh nghiệp KH&CN phải đáp ứng những điều kiện nào, thưa bà?

Doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau: Một là, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Hai là, doanh thu hàng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp.

Ba là, doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường.Tiêu chí, cơ sở xác định dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là dịch vụ mới thực hiện theo quy định của Bộ KH&CN.

Bốn là, doanh nghiệp KH&CN phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN trong kỳ để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện phân bổ theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Thuế thu nhập cá nhân số 14/2008/QH12.

Bà có thể cho biết quy định về mức và thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN?

Có thể thấy, việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế TNDNđối với doanh nghiệp KH&CN quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN được cho là một đột phá lớn trong việc phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đặc biệt trong lúc này, nó là liều thuốc bổ để doanh nghiệp KH&CN có thêm nội lực vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.

Đối với quy định về mức và thời gian ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN đối với doanh nghiệp KH&CN thì doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện sẽ được được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Tổng cộng sẽ được miễn giảm tới 12 năm. Thời gian miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp KH&CN được tính liên tục kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Trường hợp không có thu nhập chịu thuế trong 3 năm đầu, kể từ năm đầu tiên được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN thì thời gian miễn, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Trong thời gian đang được ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, nếu năm nào doanh nghiệp KH&CN không đáp ứng điều kiện về doanh thu của các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu năm của doanh nghiệp thì năm đó doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi và được tính trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp KH&CN.

Trường hợp doanh nghiệp KH&CN đã có thu nhập chịu thuế nhưng thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn, giảm thuế của năm đầu tiên dưới 12 tháng thì doanh nghiệp được lựa chọn hưởng miễn, giảm thuế ngay trong năm đầu tiên đó hoặc đăng ký với cơ quan thuế thời gian bắt đầu được miễn, giảm thuế vào năm tiếp theo. Nếu doanh nghiệp đăng ký miễn, giảm thuế vào năm tiếp theo thì phải xác định số thuế phải nộp của năm đầu tiên đã có thu nhập chịu thuế để nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Chính sách miễn giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thêm động lực vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Chính sách miễn giảm thuế thu nhập Doanh nghiệp sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thêm động lực vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Có thể thấy, từ khi Nghị định 13/2019/NĐ-CP được ban hành và Thông tư 03/2021/TT-BTC hướng dẫn về miễn, giảm thuế TNDNđối với doanh nghiệp KH&CN được đưa ra là rất kịp thời cho doanh nghiệp, với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam bà thấy các doanh nghiệp hội viên phản hồi như thế nào về các nghị định và thông tư này?

Doanh nghiệp KH&CN, hơn lúc nào hết cần được tiếp sức, không chỉ đơn thuần là những lời động viên, hô hào trên giấy tờ mà bằng cả những chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Ngay sau khi Nghị định 13/2019/NĐ-CP được ban hành và Thông tư 03/2021/TT-BTC vế hướng dẫn về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN. Theo những đánh giá ban đầu, tôi thấy rằng sự đón nhận của doanh nghiệp là tương đối tốt. Các Sở KH&CN cảm thấy thuận lợi hơn trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp băn khoăn là các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương có thực thi đồng bộ theo Nghị định, thông tư hay không để doanh nghiệp sớm được hưởng ưu đãi là vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm. Bởi thực tế có thể thấy, hiện nay một số văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ, dẫn tới cách hiểu khác nhau và cách thực hiện khác nhau, từ đó hạn chế tính thực thi. Trong đó, vấn đề đầu tiên phải kể đến là giữa các luật vẫn chưa đồng bộ. Cụ thể, trong Luật Doanh nghiệp chưa có quy định loại hình doanh nghiệp KH&CN, trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không có ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp KH&CN mà mới chỉ có quy định ưu đãi cho Doanh nghiệp công nghệ cao.

Chúng ta có tư duy là các luật chuyên ngành mới có hiệu lực cao nhất, cho nên dù Luật KH&CN quy định về doanh nghiệp KH&CN, nhưng các cơ quan về thuế sẽ yêu cầu ưu đãi thuế phải theo luật Thuế, loại hình doanh nghiệp phải theo luật Doanh nghiệp. Luật KH&CN có quy định doanh nghiệp được ưu đãi như thế nhưng trong các luật chuyên ngành chưa quy định, nên trước đây đã phải “lách luật” và “vận dụng” là các doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghệ cao hoặc doanh nghiệp công nghệ cao, hoặc doanh nghiệp có dự án công nghệ cao.

Là cơ quan bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên Hiệp hội, xin bà hãy cho biết, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hội viên tiếp cận chính sách ưu đãi miễn giảm thuế TNDN lần này?

Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam ra đời với mục đích là phát triển Doanh nghiệp KH&CN cho doanh nghiệp Hội viên của mình. Đặc biệt quan tâm là quyền lợi cho các hội viên, nhằm nâng cao vai trò của Hiệp hội theo định hướng phát triển và kế hoạch đề ra. Trong đó, Ban thường vụ cũng nhấn mạnh các lĩnh vực thiết yếu như: Hỗ trợ ưu đãi về vốn dành riêng cho Doanh nghiệp KH&CN Việt nam (thuế đất đai, thuế thuê vườn ươm và cơ sở công nghệ , hỗ trợ về vốn….); Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hội viên; Tổ chức đào tạo về các lĩnh vực dành riêng cho Doanh nghiệp KH&CN; Hỗ trợ cấp chứng nhận xuất nhập khẩu quốc tế FDI, giấy chứng nhận sở hữu trí tuệ quốc tế; Lên kế hoạch chương trình Xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, tổ chức triển lãm KH&CN cho doanh nghiệp Hội viên; và nhiều lĩnh vực khác.

Và để các doanh nghiệp KH&CN được hưởng chính sách miễn giảm thuế theo cơ chế chính sách đã ban hành, Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam sẽ hỗ trợ, phối hợp tư vấn pháp lý, các thủ tục liên quan để các với các doanh nghiệp hội viên dễ dàng tiếp cận chính sách miễn giảm thuế. Không chỉ vậy, để doanh nghiệp KH&CN dễ dàng tiếp cận ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN thì các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Tổng Cục thuế, Sở KH&CN, Chi Cục thuế của các địa phương cũng phải tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp theo nghị định thông tư trên.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp có giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, dù hấp dẫn nhưng số đơn đăng ký thành lập doanh nghiệp KH&CN rất ít. Theo bà, nguyên nhân của thực trạng này là gì?

Với tình hình hiện nay, Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp tích cực đầu tư, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh doanh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh, hội nhập với nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp đầu tư KH&CN cũng như thành lập doanh nghiệp KH&CN là rất cần thiết để được hưởng chính sách ưu đãi và được tham gia vào các hoạt động KH&CN của các Hội, ngành. Ngoài ra, Chính phủ và bộ ngành đang thực hiện kế hoạch “Chuyển đổi số quốc gia” mà doanh nghiệp, đắc biệt là doanh nghiệp KH&CN là điểm trọng yếu và cấp bách.

Thế nhưng, trên thực tế hiện nay số lượng doanh nghiệp có khả năng đạt chứng nhận doanh nghiệp KH&CN trên 10.000 doanh nghiệp. Nhưng đến bây giờ thì số lượng doanh nghiệp KH&CN trên dưới 600 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Một số Tập đoàn lớn, Tổng công ty vẫn chưa thành lập doanh nghiệp KH&CN, nguyên nhân là do những doanh nghiệp này thấy chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn, không bằng các chính sách khác. Mặc khác việc thực thi chính sách ưu đãi chưa đồng bộ, một số tỉnh/thành địa phương chưa tích cực hướng dẫn cho doanh nghiệp mà còn gây khó khăn, vướng mắc về phê duyệt.

Trước những khó khăn, vướng mắt trên, việc giảm thuế theo Nghị định 13 và Thông tư 03 được xem là bước khởi đầu, mở màn để phát triển. Đặc biệt trong lúc này, nó là “cần câu” để doanh nghiệp KH&CN có thêm nội lực vượt qua khó khăn bởi dịch Covid-19.

Tôi mong rằng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&CN đã ban hành sẽ được thực thi đồng bộ và tích cực hơn, để các doanh nghiệp KH&CN có điều kiện tốt hơn cho đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời các doanh nghiệp KH&CN tiềm năng sẽ tích cực thành lập doanh nghiệp KH&CN. Để từ đó, ngành KH&CN của Việt Nam mới phát triển vững mạnh và chứng minh năng lực của mình trong thời kỳ phát triển kinh tế hội nhập.

Xin cảm ơn bà!

Cần có cách hiểu thống nhất

Trước thông tin Bộ Tài chính ban hành Thông tư 03/2021/TT-BTChướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ quy định tại Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp KH&CN tin tưởng điều này sẽ tạo ra động lực, cơ chế mới giúp doanh nghiệp phát triển.

Là doanh nghiệp mới với sản phẩm dịch vụ hỗ trợ, cấp cứu máy tính từ xa với những công nghệ mới, vượt trội, doanh nghiệp khởi nghiệp ELINKGATE thuộc Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Ông Nguyễn Văn Hoàng - Giám đốc ELINKGATE nhận định: “Quy định này rất hữu ích với doanh nghiệp thực sự tạo ra sản phẩm mới và kinh doanh trên sản phẩm đó. Các vấn đề như hỗ trợ về nguồn vốn và ưu đãi thì đã được thể hiên trong nghị định là khá tốt nếu được thực thi một cách đúng đắn”.

Theo ông Hoàng, Nghị định 13 cũng quy định nhiều ưu đãi khác như không thu phí dịch vụ với doanh nghiệp KH&CN khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, … để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ của Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng vào tác động tích cực của các quy định mới, không ít doanh nghiệp còn lo lắng vào hiệu quả thực tế khi triển khai những quy định này. Trong đó, cách triển khai, thực hiện của cơ quan thuế, cơ quan tài chính là vấn đề nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Lê Trung Hiếu - Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Ewater, một doanh nghiệp KH&CN tại TP.HCM cho biết: “Quy định đã có nhưng lý giải của mỗi cơ quan thuế từng quận huyện mà doanh nghiệp đăng ký lại có sự khác nhau nên các cơ quan chủ quản như Sở KH&CN, cơ quan thuế nên phối hợp để có cách hiểu giống nhau, có văn bản thống nhất. Các doanh nghiệp mới bắt đầu sản phẩm dựa trên nghiên cứu KH&CN còn gặp khó khăn”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hoàng cho biết hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế, tài chính cũng là điều mà ông đang quan tâm bởi đây là trở ngại đặc biệt khi làm việc với các cơ quan thuế. Ngoài ra, ưu đãi thuế và tài chính không phải là những điều duy nhất mà các doanh nghiệp như ELINKGATE cần.

Phạm Đức (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm