Chính sách

Một số địa phương chưa coi tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm

DNVN - Theo GS,TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, một số địa phương chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai kế hoạch kinh tế xã hội ở địa phương.

Hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư trái phiếu Ngân hàng Chính sách xã hội / Huy động 2.000 tỷ trái phiếu do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành

Tín dụng chính sách an sinh xã hội là một trong những nội dung được đề cập toàn diện, xuyên suốt trong hệ thống quan điểm, chính sách của Đảng nhằm thực hiện chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững đất nước.

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, trong đó tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện được coi là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Ngày 22/11/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư. Ngày 10/6/2021, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng một số địa phương chưa coi tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Hoài Anh.

Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

NHCSXH đã tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ đề ra và đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Trên cơ sở đó, phát huy được vai trò là đòn bẩy kinh tế quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm giúp người nghèo và đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất.

Đồng thời, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống cho nguồi dân vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo bền vững.

Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, sáng ngày 16/8, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, hiệu quả trên toàn quốc, mang lại hiệu quả thiết thực.

Tín dụng chính sách xã hội đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân, góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, bảo đảm an sinh, trật tự và an toàn xã hội ở các địa phương nhất là những vùng nông thôn, vùng sâu xa…

Các chương trình đã cung cấp một nguồn lực quan trọng cho các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội đồng bào dân tộc thiểu số. Nhu cầu vay vốn của nhân dân cao hơn, đòi hỏi phải hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng xã hội sát thực hơn nữa.

“Nhiều quy định của tín dụng chính sách xã hội đã không còn phù hợp như mức độ vay, thời hạn cho vay. Một số địa phương chưa thực sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai kế hoạch kinh tế xã hội ở địa phương”, ông Thắng nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm