Chính sách

Nhận diện những động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

DNVN - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đặc biệt lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Đó là tăng cường liên kết, tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và củng cố thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới.

Hậu Giang: Bứt phá tăng trưởng kinh tế / Tăng tốc giải ngân đầu tư công hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023 về tình hình kinh tế xã hội (KTXH) tháng 11, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng sau tốt hơn tháng trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Nổi bật là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,25% so với tháng 10; bình quân 11 tháng tăng 3,22% (thấp hơn nhiều mục tiêu khoảng 4,5% theo Nghị quyết của Quốc hội).

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tình hình KTXH tháng 11 và 11 tháng tiếp tục xu hướng tích cực.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Thu ngân sách nhà nước 11 tháng đạt gần 95% dự toán trong khi đã miễn, giảm, gia hạn trên 172 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 65 nghìn tỷ đồng), ước cả năm vượt mục tiêu đã đề ra (trong đó chủ yếu thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh).

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại. Trong tháng 11, xuất khẩu tăng 6,7% so với cùng kỳ; xuất siêu 1,28 tỷ USD. Tính chung 11 tháng, xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 10,3 tỷ USD).

Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, tiếp tục xu hướng tháng sau tốt hơn tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 3% so với tháng 10, tăng 5,5% so với cùng kỳ; tính chung 11 tháng tăng 1%.

Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định và tăng trưởng, tiếp tục là bệ đỡ của nền kinh tế. Xuất khẩu nông sản 11 tháng đạt 47,84 tỷ USD, trong đó rau quả đạt trên 5 tỷ USD, tăng gần 72%. Khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà tăng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 1,4% so với tháng 10; tính chung 11 tháng tăng 9,6%. Khách quốc tế tháng 11 đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 10,9% so với tháng trước; tính chung 11 tháng đạt hơn 11,2 triệu lượt, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn FDI đăng ký và thực hiện đều cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng đạt 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD, tăng 2,9%. Giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng ước đạt 65,1% kế hoạch, cao hơn 6,8% so cùng kỳ (58,33%), số tuyệt đối cao hơn gần 123 nghìn tỷ đồng.

Phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Trong tháng 11 có khoảng 14.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,5% so cùng kỳ, số vốn đăng ký tăng 47%. Tính chung 11 tháng có trên 201.500 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% (10 tháng tăng 2,9%). Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, 108/111 quy hoạch đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt.

Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốt và khá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình KTXH vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như sức ép lạm phát trên thế giới còn cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, tiếp cận vốn tín dụng, hấp thụ vốn của nền kinh tế còn khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn vướng mắc, chồng chéo, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh các động lực tăng trưởng, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, sau khi phân tích tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Phấn đấu, quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để đạt được mục tiêu là kết quả năm 2023 phải tốt hơn năm 2022.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện các nghị quyết, kết luận của Trung ương; các luật, nghị quyết về kế hoạch phát triển KTXH, dự toán ngân sách Nhà nước, đầu tư công năm 2024... đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng. Đầu tư cần tập trung, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư. Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.

Đặc biệt cần lưu ý thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Đó là tăng cường liên kết giữa các vùng, liên kết cả nước, liên kết trong nước và quốc tế. Tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho các ngành, lĩnh vực mới nổi như sản xuất chip, hydrogen, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn.

Đồng thời, củng cố thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng các thị trường mới, như Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành với quyết tâm cao hơn.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm