Quản lý thuốc trên sàn thương mại điện tử: Chỉ nên cho bán thuốc không kê đơn
Động thái mới của Hoàng Thùy sau khi đáp trả chủ tịch Miss Universe Vietnam vụ việc liên quan Dược Sĩ Tiến / Dược Lâm Đồng bị phạt hơn 92 triệu đồng
Ngày 22/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Trong đó, các ý kiến tập trung nhiều vào vấn đề đang “nóng” là quản lý thuốc trên sàn thương mại điện tử.
Thuốc là một mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người sử dụng nên Thường vụ Quốc hội sẽ siết chặt điều kiện bán online. Theo đó, các cơ sở muốn kinh doanh thuốc online phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện và đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật, cơ sở vật chất, nhân sự, địa điểm.
Hoạt động mua bán thuốc online chỉ được phép thực hiện thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định được pháp nhân chịu trách nhiệm. Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải là thuốc không kê đơn, không bán thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ và thuốc phải kiểm soát đặc biệt.
Trước những quy định này, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh (thành phố Cần Thơ) cho rằng, cần bổ sung vào quy định cấm của Điều 6 đối với hành vi kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc không đúng với danh mục được cho phép. Điều này nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc được chặt chẽ hơn. Bởi vì thuốc và nguyên liệu làm thuốc là một loại hàng hóa đặc biệt có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
“Hiện nay, hoạt động thương mại điện tử diễn ra phong phú, đa dạng và phức tạp. Khác với những loại hàng hóa khác, thuốc được giao dịch trên sàn thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây hậu quả rất nặng nề và khó khắc phục”, bà Ánh nói.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung thêm các tiêu chí kiểm soát để bảo đảm chất lượng thuốc khi giao dịch theo phương thức kinh doanh dược online. Qua đó, giúp các giao dịch thuốc trực tuyến được bảo đảm nghiêm ngặt, tránh tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, không đúng chất lượng.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) nêu rõ kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử là phương thức kinh doanh rất phù hợp với xu thế hiện nay, nhưng cần quy định rõ ràng bảo đảm kiểm soát chặt chẽ. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng doanh nghiệp đưa thuốc kê đơn vào kênh bán lẻ thương mại điện tử, hoặc doanh nghiệp sẽ lấy thông tin bệnh nhân cần mua thuốc kê đơn trên sàn thương mại điện tử và sẽ thực hiện giao dịch mua bán ở chỗ khác.
“Tôi cho rằng, dự thảo cần sửa đổi theo hướng chỉ bán thuốc không kê đơn theo phương thức thương mại điện tử như kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới", bà Nhị Hà nêu ý kiến.
Trước ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong thực tiễn đang có khoảng trống pháp lý, đặc biệt đối với mặt hàng đặc thù như thuốc. Chính vì vậy, trong dự thảo luật chỉ cho phép việc kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử… có chức năng đặt hàng trực tuyến để xác định rõ được pháp nhân phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định thêm về điều kiện kinh doanh loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, vấn đề quản lý chất lượng, quản lý giá thuốc, trách nhiệm của người thực hiện kinh doanh thương mại điện tử.
End of content
Không có tin nào tiếp theo