Chính sách

Thêm nhiều vùng quê "đáng sống” từ chương trình hỗ trợ rừng và trang trại

DNVN - Mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được triển khai và nhân rộng thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) tài trợ đang tạo dựng những “vùng quê đáng sống”.

Tốt nghiệp loại giỏi, cử nhân sư phạm về xứ núi trồng rừng, phát triển chăn nuôi / Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Đây là mô hình đang đạt được hiệu quả tích cực tại nhiều vùng quê nghèo của 5 tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La và Thái Nguyên.

Mô hình không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà các cơ chế, chính sách liên quan tới các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) đã được thúc đẩy thuận lợi hơn.

Khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên.

Đi thực tế tham quan mô hình phát triển rừng gỗ lớn, mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp tại HTX Tân Đông (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) mới cảm nhận tính hiệu quả và lan tỏa từ mô hình kiểu mẫu mà Chương trình FFF đang thúc đẩy.

Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Đào Hữu Trà, Trưởng nhóm Sản xuất hữu cơ của HTX Tân Đông cho biết: “Mô hình nông nghiệp hữu cơ, trồng cây gỗ lớn, nông lâm kết hợp đã mang lại hiệu quả rất tốt cho bà con chúng tôi. Mô hình này đã lan tỏa sang cả các bà con chưa vào HTX. Bà con đã thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế mà cả lợi ích về sức khỏe con người”.

Ông Đào Hữu Trà, Trưởng nhóm Sản xuất hữu cơ của HTX Tân Đông chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam. (Ảnh: Hoài Anh).

Cho dù tiếp cận với Chương trình FFF muộn, 1,2 ha rừng trồng chưa đúng cách nhưng những kiến thức mà chương trình đã tập huấn, 9000 m2 bưởi đỏ gia đình ông đã triển khai theo hướng hữu cơ với mô hình phân tầng, trên là bưởi, dưới tán nuôi ong, dưới thả gà lợn, trồng cây dược liệu, mỗi năm riêng bưởi cho thu nhập 300 triệu đồng. Vì trồng theo phương pháp hữu cơ nên môi trường sống của lợn gà nuôi phía dưới an toàn hơn.

Với 1,2 ha rừng trồng sai quy cách, ông Trà cho biết sẽ tiến hành cắt tỉa và tham gia trồng rừng gỗ lớn để có thu nhập cao hơn.

Ông Trà cho biết, HTX Tân Đông được hình thành từ nhóm sản xuất và THT. Mô hình THT bắt đầu hình thành từ năm 2016 đến năm 2019 thì trở thành HTX. Hiện nay, HTX có 25 thành viên, với 25 ha bưởi trồng hữu cơ, 5 ha trồng rừng.

“Từ năm 2010 đến nay, Chương trình FFF cũng như hội nông dân các cấp đã hỗ trợ HTX chúng tôi rất nhiều mô hình như nuôi ong dưới tán rừng, xây dựng trồng rừng gỗ lớn và mô hình nông lâm kết hợp, qua đó, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với cách trồng cũ.

HTX đang động viên bà con trồng xen cây tranh, ớt để lấy thu nhập ngắn nuôi rừng dài. Chúng tôi mong muốn được tiếp cập thêm nguồn tài chính cũng như mong được hỗ trợ về khâu chế biến vật liệu phân tại chỗ, giúp cho việc trồng cây gỗ lớn mang lại hiệu quả cao hơn”, ông Trà chia sẻ.

Sản phẩm nổi bật của hội viên nông dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trưng bày tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại”. (Ảnh: Hoài Anh).

Tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại” vừa diễn ra tại Hòa Bình, ông Vũ Tiến Sĩ, đại diện cho HTX Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng (huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) cho biết, nhờ sự tư vấn của cán bộ Chương trình FFF, HTX Hải Đăng đã được thành lập từ THT nuôi gà.

Từ chỗ ban đầu chỉ nuôi gà, HTX Hải Đăng đã tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng nấm, kết hợp trồng dược liệu, thả gà dưới tán rừng. Cũng nhờ tư vấn, từ chỗ không biết hàng rào sinh học là gì, đến nay, HTX Hải Đăng đã thu lợi được thêm từ việc trồng cỏ voi, đậu cô ve từ hàng rào. HTX ký kết với tổng kho Hà Nội mỗi năm tiêu thụ 300 tấn nấm mỗi năm.

Đến nay, HTX Hải Đăng đã da dạng hoá sản phẩm, thu hút 100 thành viên, trong đó 18 thành viên thường xuyên thu nhập từ 5-12 triệu đồng/tháng.

“Thông qua Chương trình FFF, chúng tôi đã có tiếng nói của mình, từ đó mang lại nhiều chính sách thiết thực cho bà con nông dân địa phương”, ông Sỹ nói.

Đánh giá về Chương trình FFF, ông Phạm Tài Thắng, Thúc đẩy viên Chương trình FFF giai đoạn II cho rằng, chương trình đã tác động tới 3 khía cạnh: Kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.

“80% địa bàn chương trình triển khai là những nơi đáng sống. Chương trình sẽ được kéo dài đến năm 2025 để nhân rộng mô hình, để có thêm “nhiều vùng quê đáng sống”, ông Thắng khẳng định.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm