Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Đừng “phân lô bán nền” ở cảng Liên Chiểu
'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: DN Nhật Bản đầu tư dự án 35 triệu USD sản xuất robot, máy bay không người lái
Đà Nẵng nằm trên trục tuyến vận tải biển quốc tế, chứ không phải Hải Phòng
Như tin đã đưa, chiều 24/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT đã làm việc với Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam và các cơ quan, đơn vị hữu quan của TP về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải và quy hoạch phát triển cảng biển, đường thủy khu vực TP Đà Nẵng trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khuyến cáo TP Đà Nẵng không nên làm cho cảng Liên Chiểu trở nên lắt nhắt, đừng "phân lô bán nền" ở đây.
Hiện Văn phòng Chính phủ (Vụ Công nghiệp) đã tiếp nhận Báo cáo số 1052/BCTĐ-BGTVT ngày 3/2/2021 của Bộ GTVT và đang rà soát để tham mưu Thủ tướng Chính phủ. TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ GTVT làm việc với Văn phòng Chính phủ để sớm có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở triển khai tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nêu rõ: “Đà Nẵng rất có điều kiện về phát triển cảng biển. TP này nằm trên tuyến vận tải biển quốc tế, khi các gam tàu chạy từ Bắc Mỹ sang châu Á, châu Âu thì Đà Nẵng nằm trên trục tuyến đó, chứ Hải Phòng không nằm trên trục tuyến quốc tế. Nếu vào Hải Phòng thì tàu phải “luồn” qua đảo Hải Nam đi ngược lên vịnh Bắc Bộ rồi trở lại Đà Nẵng, rất mất thời gian và tốn kém.
Vì vậy các tuyến quốc tế thành lập từ Bắc Mỹ qua Nhật Bản, Đài Loan, vào Đà Nẵng rồi chạy xuống Thái Lan, Singapore và tiếp xuống phía dưới, chứ không ai chạy ngược lên Hải Phòng rồi mới vòng xuống phía dưới. Đó là lợi thế của Đà Nẵng mà chúng tôi hết sức lưu ý. Khi họp ở Tổ chức Hàng hải quốc tế thì các nước đánh giá Đà Nẵng là một trong những cảng biển của Việt Nam cần được khai thác đúng vị thế”.
Chỉ đón tàu 100.000 DWT thì chẳng cần làm cảng Liên Chiểu!
Chính do vị thế quan trọng của cảng biển khu vực Đà Nẵng mà Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị TP Đà Nẵng không nên chỉ quy hoạch xây dựng cảng Liên Chiểu cho tàu container 100.000 DWT mà nên quy hoạch cho tàu 150.000 – 200.000 DWT. Nếu bây giờ đầu tư 32.000 tỉ đồng vào đây mà khống chế quy hoạch cảng Liên Chiểu chỉ đón tàu 100.000 DWT/8.000 TEUS thì chẳng giải quyết được việc gì cả.
“Về quy hoạch thì các anh cứ mở thoải mái đi, sau này có đầu tư đón tàu 150.000 – 200.000 DWT thì cũng đã có quy hoạch sẵn để làm. Bây giờ cỡ tàu trên thế giới hầu như không chạy gam tàu 100.000 DWT nữa mà chạy gam tàu 200.000 – 250.000 DWT. Mình làm quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 mà khống chế gam tàu vẫn chỉ 100.000 DWT là không phù hợp!” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lưu ý.
Vì vậy, ông đề nghị sau khi chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong quá trình triển khai các bước thiết kế cơ sở của dự án đầu tư thì UBND TP Đà Nẵng nên điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu đón tàu 150.000 – 200.000 DWT, để sau này có tiền thì có khung mà mở rộng đầu tư, chứ không nên chốt ở mức tàu 100.000 DWT.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh nội dung trong dự thảo quy hoạch đối với cảng Liên Chiểu là “Đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (loại đặc biệt)”.
Đừng “phân lô bán nền”, đừng làm cảng Liên Chiểu trở nên lắt nha, lắt nhắt
Để tương xứng là cảng nằm trên tuyến vận tải quốc tế, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị không nên quy hoạch các khu bến ở cảng Liên Chiểu chỉ nhỏ lẻ ở 700m x 1,2km vì chẳng làm được việc gì cả. Theo ông, với cùng đê chắn sóng và kết cấu hạ tầng dùng chung đã được nhà nước đầu tư thì cần bố trí các khu bến ở đây có bề ngang ít nhất 1km để có độ sâu hơn, có thể tiếp đón các “tàu mẹ” cỡ lớn, công suất cũng cảng được nâng cao hơn.
“Không nên làm cho cảng Liên Chiểu trở thành lắt nha, lắt nhắt, đừng “phân lô bán nền” ở đây. Cảng container phải ít nhất 3 – 4km chứ không phải cứ 700m, 700m, 700m thế này. Phải làm sao để cảng Liên Chiểu đón được những gam tàu hiện đại cỡ lớn, phù hợp với xu hướng phát triển chung!” – Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho hay, Đà Nẵng xác định về lâu dài cảng Tiên Sa chỉ tiếp nhận một phần hàng container, hàng đóng gói… và chuyển dần thành cảng du lịch sau khi cảng Liên Chiểu đảm bảo phục vụ đủ sản lượng hàng hóa qua khu vực. Định hướng sau năm 2030, cảng Tiên Sa trở thành đầu mối du lịch quan trọng của Đà Nẵng nên UBND TP đề nghị Bộ GTVT bổ sung cảng này vào định hướng quy hoạch phát triển bến cảng hành khách quốc tế.
Đối với khu bến cảng Liên Chiểu, trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh từ nội dung “trước mắt đảm nhận thông quan hàng hóa khi khu bến Tiên Sa vượt công suất quy hoạch; từng bước phát triển để trở thành khu bến cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (nếu có điều kiện)” thành “Cảng Liên Chiểu đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế tại khu vực miền Trung (loại đặc biệt)”.
Đồng thời UBND TP Đà Nẵng đề nghị đơn vị Tư vấn cần rà soát, dự báo chính xác lượng hàng để quy hoạch phát triển cảng Liên Chiểu phù hợp trong tương lai, cũng như tính toán để đảm bảo bến cảng có thể tiếp nhận các loại tàu hiện đại, có kích thước lớn, ít nhất là đón được tàu cỡ 150.000 DWT.
"Về thứ tự ưu tiên thực hiện và phương án phân kỳ đầu tư, vốn đầu tư trong dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBNDTP Đà Nẵng đề nghị Bộ GTVT xác định giai đoạn đầu tư khu bến Liên Chiểu đến năm 2030 là dự án ưu tiên đầu tư để thay thế cảng Tiên Sa sẽ chuyển đổi thành cảng du lịch sau năm 2030 (phù hợp theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). UBND TP Đà Nẵng cũng đề nghị bổ sung thêm dự án “Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dung chung Bến cảng Liên Chiểu: kinh phí dự kiến 3.500 tỷ đồng” vào danh mục các nhiệm vụ ưu tiên đầu tư và nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công cộng. Đồng thời đề nghị bổ sung các tuyến độ, đường sắt kết nối với khu bến cảng, trung tâm logistic để thuận lợi cho việc triển khai trong giai đoạn tiếp theo". |
End of content
Không có tin nào tiếp theo