Chính sách

Thủ tục cấp giấy phép môi trường cần tránh phức tạp, gây khó cho doanh nghiệp

DNVN - Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có bất cập là thủ tục cấp giấy phép môi trường phức tạp, trùng lặp, chưa có quy định phân biệt rõ ràng cho từng nhóm dự án nên gây rủi ro chính sách lớn, thiếu minh bạch về thời gian.
Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức chiều ngày 18/10, tổng kết ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 ngày 5/10/2021 (dự thảo Nghị định), chuyên gia Nguyễn Minh Thảo, Viện CIEM cho rằng: Nhìn chung, cộng đồng doanh nghiệp (DN) cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường, nhưng kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị định đúng yêu cầu của Luật, phù hợp với thực tiễn, quy định rõ ràng, cụ thể, tiên liệu được, không gây cản trở hoạt động kinh doanh và đạt được hiệu quả quản lý.
Hội thảo "Góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”

Ngày 11/10/2021, 11 Hiệp hội ngành hàng đã gửi kiến nghị Thủ tướng góp ý về dự thảo, gồm 1 kiến nghị chung và 6 kiến nghị cụ thể. Các bất cập của dự thảo Nghị định tập trung vào Điều 52, Điều 66, Điều 80-90.
Theo đó, thủ tục cấp giấy phép môi trường (GPMT) phức tạp, trùng lặp, khó tiên liệu, chưa có quy định phân biệt rõ ràng cho từng nhóm dự án nên gây rủi ro chính sách lớn, thiếu minh bạch về thời gian.
Quy định và thủ tục cấp giấy GPMT chưa theo nguyên tắc quản lý hiện đại (vẫn là tiền kiểm). Hiện chưa có quy định về lộ trình cấp GPMT trực tuyến.
Về điều kiện kinh doanh (ĐKKD), cộng đồng DN đề xuất phải có cơ chế đảm bảo quyền lợi của DN đang hoạt động tại dự thảo Nghị định.
Đối với khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, cần bãi bỏ quy định “sản phẩm hàng hóa là bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải được dán nhãn hàng hóa (nhãn gốc hoặc nhãn phụ, nhãn cảnh báo) bằng tiếng Việt ghi rõ bao bì nhựa khó phân hủy.
Thực tế cho thấy, việc phải dán nhãn “bao bì nhựa khó phân hủy” vào sản phẩm ống nước trong xây dựng bằng nhựa PVC, chai nước, chai dầu gội từ nhựa PVC, PET là bất hợp lý và gây tốn kém không cần thiết cho DN.
Các nước tiên tiến không có quy định như vậy. Điều này có thể tạo rào cản thương mại với các nước, mâu thuẫn với các hiệp định thương mại tự do. Nghị định chỉ nên quy định cấm túi ni lông và một số sản phẩm nhựa một lần dùng cho mục đích sinh hoạt nêu trong Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 20/8/2020.
Về đóng góp tái chế, nội dung dự thảo Nghị định đã quy định không phù hợp. Luật Bảo vệ Môi trường không có điều khoản nào quy định về Văn phòng EPR và hội đồng EPR (EPR là đại diện cho nhà sản xuất, nhập khẩu nhưng thành phần gồm đại diện các bộ có chức năng quản lý Nhà nước - PV). Văn phòng EPR là do các DN/hiệp hội lập ra và quản lý tiền đóng góp để tái chế sản phẩm. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ đóng vai trò cố vấn, giám sát. Điều này đặt ra câu hỏi có hay không việc tồn tại "cơ chế xin – cho", trong khi, DN đã đóng góp tái chế thì việc thực hiện tái chế phải là trách nhiệm của cơ quan/đơn vị nhận đóng góp, chứ không.
Một bất cập nữa trong dự thảo Nghị định là các bao bì, sản phẩm có giá trị thương mại như nhôm, kim loại, ô tô-xe máy cũ thực tế đều được thu gom, ít có khả năng nằm ngoài môi trường gây ô nhiễm nhưng vẫn phải đóng góp như các loại rác thải không có giá trị, không ai muốn thu gom. Bởi vậy, quy định bắt buộc các nhà sản xuất phải thu gom các bao bì, sản phẩm có giá trị thương mại là bất hợp lý.
Kiến nghị của cộng đồng DN nhấn mạnh dự thảo Nghị định cần quy định theo đúng phạm vi Luật Bảo vệ môi trường cho phép, đơn giản hóa thủ tục và nội dung báo cáo cấp GPMT và rà soát, điều chỉnh các quy định, các mức đóng góp để phù hợp với khoa học và thực tiễn.
Cùng đó cần áp dụng quản lý rủi ro, phân biệt giữa vật liệu tự phân hủy và vật liệu khó phân hủy để khuyến khích chuyển sang vật liệu thân thiện môi trường; không đánh đồng các vật liệu để thu phí.
Cần bãi bỏ Văn phòng EPR, nghiên cứu quy định giao cho các DN/Hiệp hội tổ chức để quản lý hoạt động tái chế bằng đóng góp của chính họ. Bộ TNMT chỉ cố vấn, giám sát như kinh nghiệm quốc tế.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo