UNDP dự báo: Tiêu dùng đã hồi phục nhưng chi tiêu sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2021
Thủ tướng: Từng bước tháo gỡ, từng bước lắng nghe để phục hồi kinh tế / TP Hồ Chí Minh xin ý kiến Thủ tướng về áp dụng quy định riêng với việc mở cửa nền kinh tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi Tọa đàm tham vấn Kinh tế Xã hội vào sáng 27/9/2021.
Theo ông Terence Jones, các nước đang phát triển chủ yếu để cho các công cụ của riêng mình quản lý tác động của đại dịch đến kinh tế, và các nước này đã thay đổi đáng kể năng lực của mình trong việc đưa ra các chính sách ứng phó về tài khóa có thể so sánh được với các nước phát triển. Ngay cả tại khu vực Đông Nam Á, chi tiêu bổ sung cho y tế và an sinh xã hội dao động từ mức cao là 18% GDP ở Singapore đến 0% ở CHDCND Lào. Theo IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế), Việt Nam đã tăng chi tiêu cho y tế và an sinh xã hội lên 2% GDP từ tháng 1 năm 2020 đến tháng 6 năm 2021.
Tỷ lệ nghèo tạm thời tăng từ 10% lên 33,4% trong đại dịch
Việt Nam đã áp dụng hai biện pháp tài khóa kể từ đầu đại dịch. Nghị quyết 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được ban hành vào tháng 4/2020 và bao gồm trong đó là gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 20 triệu công nhân bị mất việc làm do đại dịch. Một gói hỗ trợ mới trị giá 26 nghìn tỷ đồng đã được công bố vào ngày 1/7/2021 để giúp những người lao động bị ảnh hưởng bởi phong tỏa và giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch gần nhất (Nghị quyết 68/NQ-CP). Chính phủ đã có những hành động kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình không có thu nhập do mất việc làm hoặc mất thu nhập từ công việc tự do.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy gói hỗ trợ vừa không đủ lớn, vừa không đủ rộng về phạm vi để bảo vệ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khỏi bị mất thu nhập do phong tỏa và giãn cách xã hội. Một nghiên cứu mới đây do Trung tâm Phân tích và Dự báo - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho thấy tỷ lệ nghèo về thu nhập tạm thời đã tăng từ mức 10% trước đại dịch lên 33,4% vào tháng 8/2021 (dựa trên chuẩn nghèo 2021-2025 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành). Theo báo cáo này, 90% số người được hỏi đã không nhận được hỗ trợ kể từ khi gói tháng 7/2021 được phê duyệt và lao động di cư, lao động tự do và người vô gia cư không đủ điều kiện được nhận trợ cấp. Hàng ngàn hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt giảm cả tiền sữa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Một báo cáo đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết 68 do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) thực hiện khẳng định rằng tỷ lệ bao phủ của các chương trình hỗ trợ tiền mặt còn thấp, do thiết kế chương trình loại trừ các nhóm đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như lao động di cư không đăng ký và lao động tự do trong khu vực phi chính thức.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng độ bao phủ giữa các tỉnh là khác nhau vì chương trình dựa vào chính quyền địa phương để huy động nguồn kinh phí. Các quy định rườm rà cho người nhận trợ cấp và người sử dụng lao động cũng đã làm giảm tỷ lệ bao phủ và tỷ lệ giải ngân.
Ông Terence Jones Quyền Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP.
Tiêu dùng đã hồi phục nhưng chi tiêu sẽ giảm mạnh vào cuối năm 2021
Như thể hiện trong Hình 2, khoản ứng phó tài khóa của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng là nhỏ so với các nước láng giềng. Lý do cho các nỗ lực tài khóa hạn chế là cần phải kiềm chế bội chi ngân sách của Chính phủ để ngăn tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên có khả năng gây ra lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán. Mặc dù logic này có giá trị trong những giai đoạn bình thường, nhưng cần phải thừa nhận rằng giãn cách xã hội và phong tỏa là một tình huống rất bất thường đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt.
Mặc dù trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60 đến 70% tổng tăng trưởng kinh tế, nhưng trong thời gian đóng cửa, tiêu dùng bị kìm hãm bởi các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ. Tiêu dùng đóng góp tương đối ít vào tăng trưởng sản lượng trong năm 2020 do các hộ gia đình buộc phải kiềm chế chi tiêu trong thời kỳ đại dịch (Hình 3).
Tiêu dùng đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, nhưng chúng ta có thể dự đoán rằng chi tiêu sẽ giảm mạnh trong nửa cuối năm vì các hộ gia đình phải đối mặt với các lệnh hạn chế nhằm kiểm soát sự lây lan của đợt bùng phát dịch mới nhất.
Việc cắt giảm chi tiêu do lệnh phong tỏa giãn cách xã hội dẫn đến tiết kiệm bắt buộc hoặc tiết kiệm ngoài kế hoạch, vì không thể tiêu dùng được theo kế hoạch. Do phần lớn hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình thường được sản xuất trong nước, nên các khoản tiết kiệm bắt buộc này thể hiện sự mất đi thu nhập đối với các công ty trong nước sản xuất, vận chuyển và bán những hàng hóa và dịch vụ đó. Tác động của chi tiêu thấp hơn được khuếch đại lên khi việc giảm chi tiêu trong vòng đầu có tác động gián tiếp đến các vòng tiếp theo. Ví dụ, khi một hộ gia đình cắt giảm chi tiêu cho các bữa ăn được phục vụ sẵn thì chủ quán ăn sẽ mua ít thịt và bún mì phở hơn, đồng thời giảm tiền công cho đầu bếp và nhân viên dọn dẹp.
Điều này làm giảm thu nhập của các cơ sở sản xuất thịt và bún mì phở, giảm tiền lương trả cho nhân công của họ và giảm thu nhập của các cơ sở bán hàng hóa và dịch vụ cho những nhân công này. Mỗi vòng giảm chi tiêu sẽ khuếch đại tác động của vòng giảm chi tiêu ban đầu. Đây là hiệu ứng cấp số nhân, quy mô của hiệu ứng đó phụ thuộc vào tỷ lệ thu nhập mà các hộ gia đình thường chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước. Hệ số nhân lớn hơn 1, nghĩa là mức đóng góp cuối cùng vào tổng sức cầu của các vòng chi tiêu sau sẽ lớn hơn mức gia tăng chi tiêu ban đầu.
Các doanh nghiệp đóng thuế trên thu nhập mình kiếm được, do đó việc giảm chi tiêu cũng làm giảm thu ngân sách. Các gói kích thích làm tăng chi tiêu trong nước sẽ chi trả một phần cho Chính phủ vì chúng làm tăng hoạt động kinh tế trong nước và do đó tạo ra nguồn thu thuế.
Một ý nghĩa quan trọng khác của tiết kiệm bắt buộc là một số khoản chi tiêu bị giảm đi sẽ tích lũy thành dư tiền mặt và hàng tồn kho. Những số dư này là một sự tiêu hao của tổng cầu trừ khi số tiền đó được huy động từ việc bán nợ công, số tiền thu về được chi tiêu theo những cách làm tăng tiêu dùng và đầu tư trong nước. Nợ công tăng thêm không tạo ra lạm phát giá bởi vì những khoản tiền mặt này là nhàn rỗi, nói cách khác, Chính phủ không phải cạnh tranh với những người đi vay khác để sử dụng số tiền này. Chi tiêu chính phủ tăng thêm cũng sẽ không tạo ra tình trạng thiếu hụt lao động, đầu tư hay hàng hóa tiêu dùng, bởi vì nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng của mình. Do đó, rủi ro lạm phát giá là nhỏ.
Một lập luận khác đối với việc thực hiện chương trình hỗ trợ tiền mặt lớn là một phần chi tiêu bổ sung sẽ được sử dụng để mua hàng nhập khẩu, điều này có thể có tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán. Tuy nhiên, như thể hiện trong Hình 4, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì thặng dư trong suốt đại dịch mặc dù bị mất đi thu nhập từ du lịch, bởi vì xuất khẩu phục hồi nhanh chóng từ mức thấp trong quý II năm ngoái.
Mặc dù nhập khẩu phục hồi trong nửa đầu năm 2021, nhưng điều này khó có thể xảy ra trong nửa cuối năm do tiêu dùng bị kìm hãm từ tháng 7. Hơn nữa, tỷ lệ tiền mặt nhận được từ hỗ trợ để tiêu dùng hàng nhập khẩu có thể không nhiều khi các khoản hỗ trợ này được chuyển trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, là các hộ chi tiêu phần lớn thu nhập của họ cho hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước như lương thực thực phẩm, điện nước, nhà ở và các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Chương trình hỗ trợ tiền mặt phải triển khai càng nhanh, càng tốt
Do tiết kiệm bắt buộc, Chính phủ có thể tăng đáng kể quy mô của chương trình hỗ trợ tiền mặt mà không vấp phải nguy cơ tăng lạm phát hoặc tăng lãi suất. Một gói trợ cấp tiền mặt với quy mô tương đương 5% GDP quý được giải ngân trong những tháng cuối năm 2021 (khoảng 77 nghìn tỷ đồng) là tương đương mức hỗ trợ của các quốc gia khác trong khu vực. Như đã đề cập trên đây, hiệu ứng hệ số nhân của việc gia tăng tiêu dùng lớn hơn 1 - điều này có nghĩa là gói trợ cấp 77 nghìn tỷ đồng sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến tổng tiêu dùng tư nhân và tổng sản lượng kinh tế.
Để đạt được đồng thời mục tiêu kép là hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và kích thích tăng trưởng kinh tế thì cần phải triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt càng nhanh càng tốt. Cách nhanh nhất để triển khai là áp dụng ngay gói trợ cấp cho trẻ em cho mọi trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi (khoảng 11 triệu trẻ), với điều kiện xuất trình được giấy khai sinh chứng minh độ tuổi, phụ nữ mang thai; người cao tuổi từ đủ 60 (có khoảng 11,5 triệu người), bao gồm cả người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên – thuộc đối tượng bảo trợ xã hội thường xuyên với điều kiện họ không có lương hưu; người khuyết tật.
Bên cạnh đó, cần giảm thiểu yêu cầu về thủ tục hành chính và áp dụng việc đăng ký trực tuyến cho những người thuộc diện hỗ trợ. Tiền hỗ trợ sẽ được chi trả hàng tháng hay một lần, áp dụng cho ba tháng cuối năm 2021. Mức hỗ trợ có thể được xác định căn cứ trên mức tối thiểu để duy trì cuộc sống theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (thay thế Nghị định 136/2013/NĐ-CP).
Một trong những bài học quan trọng rút ra từ sự lây lan với tốc độ chóng mặt của biến thể Delta là chúng ta không chỉ phải đối mặt với những bước lùi, mà thậm chí là chúng ta cần phải dự kiến trước những bước lùi đó. Do đó, một mặt cần triển khai gói hỗ trợ tạm thời ngay lập tức; mặt khác, cần chuẩn bị xây dựng các chương trình bổ sung nhằm duy trì tăng trưởng và tiêu dùng tư nhân trong trường hợp cần thiết. Các chương trình bổ sung cần giải quyết các vấn đề mà các chương trình ngắn hạn chưa giải quyết được.
Ví dụ: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang đăng ký điện tử cho các đối tượng thụ hưởng trợ cấp xã hội dựa trên mã số định danh duy nhất thay vì dựa trên đăng ký cư trú.
Triển khai chương trình hỗ trợ tiền thuê trọ nhằm đảm bảo người lao động thu nhập thấp không bị đuổi khỏi nơi thuê trọ trong thời gian giãn cách do mất thu nhập dẫn đến không trả được tiền trọ.
Triển khai chương trình hỗ trợ máy tính bảng giá phải chăng sản xuất trong nước cho mọi trẻ trong độ tuổi đến trường cần thiết bị để học online tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Phát phiếu mua hàng miễn phí hoặc giảm giá đối với các nhu yếu phẩm sản xuất trong nước, bao gồm gạo, rau củ quả, dầu ăn, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập.
Mục tiêu của các chính sách, chương trình đề xuất trên đây là để hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong trường hợp kéo dài thời gian giãn cách xã hội và đồng thời để duy trì mức tiêu dùng trong nước. Cần tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm sản xuất trong nước để góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và tăng thu ngân sách.
Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đã bắt đầu tập trung tăng tốc, nhưng các điều kiện vẫn còn xa so với bình thường. Số ca mắc mới vẫn ở mức cao, bao gồm cả ở Đông Nam Á và Việt Nam, và không thể loại trừ sự xuất hiện của các biến thể mới của virus. Các rủi ro khác cũng đe dọa sự phục hồi. Tăng lạm phát ở Hoa Kỳ có thể dẫn đến lãi suất cao hơn và sự đảo ngược dòng vốn từ các nước đang phát triển sang các nước phát triển. Thiếu một kế hoạch phục hồi toàn cầu có sự phối hợp lẫn nhau sẽ làm tăng khả năng các gói kích thích tài khóa — vốn là công cụ cho sự phục hồi của thương mại toàn cầu — sẽ bị rút lại quá sớm. Có vẻ vẫn chưa thể phục hồi được du lịch và đi lại trước năm 2024, và thậm chí mốc thời gian đó có thể vẫn là lạc quan nếu xuất hiện một đợt bùng phát dịch mới. Sản xuất và phân phối vaccine diễn ra chậm chạp và không đồng đều, sẽ làm cản trở sự phục hồi của các nước đang phát triển, nhiều nước trong số này hiện đang phải gánh chịu số ca nhiễm cao nhất.
Tiêu dùng tư nhân sẽ bị kìm hãm trong nửa cuối năm nay ở Việt Nam, điều này sẽ làm giảm thu nhập, việc làm và số thu từ thuế. Để chống lại những tác động của tiết kiệm bắt buộc, UNDP đã đề xuất một chương trình hỗ trợ tiền mặt với quy mô khoảng 5% GDP quý, triển khai ngay từ thời điểm này và trong các tháng còn lại của năm 2021. Cần chú trọng giải ngân nhanh, đặc biệt là đối với những người dân đang sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch. Có thể xem xét áp dụng trợ cấp tiền mặt cho tất cả người cao tuổi và trẻ nhỏ theo hướng phổ quát. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ trong trung hạn và bắt đầu chuẩn bị cho công tác triển khai ngay từ bây giờ để ứng phó với trường hợp bị phong tỏa và giãn cách kéo dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo